Trĩ là bệnh phổ biến hay gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Bệnh ít nguy hiểm, nhưng gây nhiều trở ngại, phiền phức trong sinh hoạt. Ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sống và tâm sinh lý của người bệnh.

Bệnh trĩ là bệnh xảy ra do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn. Trong trạng thái bình thường, các mô này giúp kiểm soát phân thải ra. Khi các mô này phình lên do sưng, viêm thì gọi là trĩ.

Trĩ nội: Nằm bên trong trực tràng và thường không gây khó chịu nên người mắc phải sẽ không thể cảm thấy hay nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, khi đi đại tiện, các búi trĩ có thể chịu áp lực và kích thích dẫn đến chảy máu. Thỉnh thoảng, áp lực có thể khiến búi trĩ nội lòi ra ngoài gọi là sa búi trĩ, gây đau và khó chịu.

Trĩ ngoại: Trĩ ngoại thường nằm ở vùng da quanh hậu môn. Khi bị kích thích, trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc chảy máu. Đôi khi máu có thể ứ lại ở bên trong búi trĩ, tạo thành những cục máu đông, khiến búi trĩ sưng viêm, đau dữ dội.

Yếu tố nguy cơ

- Ngồi lâu thường xuyên.

- Tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính.

- Béo phì.

- Mang thai.

- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

- Chế độ ăn ít chất xơ.

- Độ tuổi: bệnh thường xảy ra hơn ở người cao tuổi.

- Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng.

- U vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung.

- Sa tử cung ở phụ nữ.

Tác hại

Khi đi cầu, áp lực rặn khiến búi trĩ phình ra. Phân đi ngang búi trĩ làm xước bề mặt búi trĩ, gây chảy máu. Nếu mạch máu lớn có thể nghiêm trọng và khó cầm máu hơn.

Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống nhiễm trùng có nguy cơ chảy máu cao hơn. Búi trĩ có thể tạo ra một “con đường” dễ dàng cho vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng.

Mẹo cầm máu: Nếu trường hợp chảy máu nhiều xảy ra, có thể nằm xuống và đặt gối dưới búi trĩ để nâng mông lên trên tim. Tránh gãi trĩ, dùng áp lực nhẹ nhàng để ngăn chảy máu. Búi trĩ sẽ ngừng chảy máu trong vòng vài phút.

Hãy đến các cơ sở y tế nếu như có các trường hợp sau đây:

- Chảy máu rất nặng.

- Chóng mặt.

- Chảy máu kéo dài hơn một vài phút.

- Đau dữ dội.

Theo y học cổ truyền, bệnh trĩ sinh là do khí hư, khí trệ khiến đại tràng không thông, làm cho cơ nhục yếu và tổn thương giáng hạ mạch lạc, sinh ra tình trạng huyết ứ ở trực tràng hậu môn. Nếu không cải thiện khí trệ và huyết ứ kịp thời, mạch lạc giãn ngày càng sa xuống khiến búi trĩ ứ huyết và chảy máu.

Nguyên nhân khiến khí và thấp nhiệt ngưng kết ở đại tràng là do mắc các bệnh nội sinh về tâm - tỳ - thận, gan; hoặc thường xuyên ăn thức ăn cay nóng, uống rượu…

Thấp nhiệt cũng có thể hình thành do thường xuyên ngồi lâu, lao động quá sức và phòng dục quá độ khiến huyết ứ và khí trệ dồn xuống trực tràng - hậu môn.

Để điều trị thiếu máu trong bệnh trĩ, cần kết hợp điều trị bệnh trĩ, cầm máu, bổ huyết. Các vị thuốc giúp bổ huyết, sinh huyết của y học cổ truyền thường gặp là thục địa, bạch thược, đương quy, hà thủ ô, cao ban long, tang thầm... Các vị này thường được phối hợp thêm trong các bài thuốc điều trị trĩ, vừa trị căn nguyên bệnh, vừa điều trị thiếu máu.

Tác giả: Lê Lành (Nguồn Báo sức khỏe đời sống)