Dù diễn biến cúm mùa vẫn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, sự gia tăng số ca nhiễm cúm giữa mùa hè tại các tỉnh phía Bắc đã trở thành nỗi lo ngại "dịch chồng dịch" trong cộng đồng.

Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tại Việt Nam, bệnh cúm diễn ra quanh năm. Trong đó, cúm tại miền Bắc đạt đỉnh vào mùa đông - xuân và có xu hướng tăng vào mùa hè tại miền Nam. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, các cơ sở y tế, bệnh viện miền Bắc lại ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và có những biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển.

Tại bàn tròn thảo luận "Cập nhật diễn biến cúm mùa và biện pháp phòng bệnh", do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân dẫn đến bất thường của số ca mắc cúm thời gian qua là doViệt Nam đang ở thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh.

Ngoài ra, theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cúm là bệnh hô hấp lây qua giọt bắn và dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người. Thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường, thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.

"Một nguyên nhân nữa được ghi nhận qua các ca bệnh nhập viện là sự chủ quan của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó dẫn đến lơ là phòng ngừa cúm trong sinh hoạt hàng ngày, không tiêm ngừa định kỳ để củng cố và duy trì lượng kháng thể. Từ đó dẫn đến nhiều ca biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy và đối diện với nguy cơ tử vong", TS.BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tình hình gia tăng bệnh cúm, ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Quản lý, điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ KHKT, Viện Pasteur TP Hồ Chi Minh cho biết, giãn cách xã hội trong dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến diễn biến bất thường của bệnh cúm. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021 với nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19, cùng với các biện pháp cách ly, phòng bệnh được thực hiện chặt chẽ, khiến cúm khó có cơ hội lây lan.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội cũng cản trở người dân tiêm ngừa cúm kịp thời để bảo vệ bản thân khỏi cúm mùa. Do đó, khi cuộc sống trở lại bình thường, cùng với việc cơ thể chưa được củng cố kháng thể cúm, khiến chỉ cần một yếu tố nguy cơ nhỏ cũng làm gia tăng khả năng nhiễm cúm, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh nền mạn tính…

Chưa kể, theo các chuyên gia y tế, cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, cúm mùa rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn, COPD….)

TS.BS Đỗ Thiện Hải cũng đưa ra bài toán về việc chủ động tiêm vaccine và việc điều trị sau khi bị nhiễm cúm mùa: "Nếu trung bình một ca điều trị cúm nằm viện 4 - 5 ngày, tốn khoảng 5 - 6 triệu đồng, chưa kể việc người nhà bệnh nhân phải tốn thêm chi phí và thời gian đi lại, chăm lo, ăn uống thì việc tiêm vaccine ngừa cúm chỉ tốn vài trăm ngàn đồng cho cả năm. Chi phí phòng ngừa cúm quá rẻ, lại an toàn cho mọi người lớn lẫn trẻ nhỏ, vì thế người dân nên cân nhắc và chủ động đi tiêm vaccine ngừa cúm".

"Ngoài ra, vì virus cúm biến đổi liên tục hằng năm, việc chủ động tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần sẽ giúp đảm bảo độ tương thích của kháng thể với chủng virus cúm lưu hành thực tế. Bên cạnh đó, người dân cũng nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng", ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn khuyến cáo.

Hiện nay, tại Việt Nam đang lưu hành vaccine cúm mùa tam giá (3 chủng) và vaccine cúm mùa tứ giá (4 chủng). Trong đó, vaccine cúm mùa tam giá có chứa kháng nguyên của 2 phân túyp virus cúm A và 1 trong 2 dòng virus cúm B. Vaccine cúm mùa tứ giá chứa kháng nguyên của cả 2 phân túyp virus cúm A và 2 dòng virus cúm B. Vì sự lưu hành của virus cúm B rất khó dự báo chính xác, vì vậy vaccine cúm mùa tứ giá có thể cung cấp sự bảo vệ rộng hơn đối với các dòng virus cúm B so với vaccine cúm mùa tam giá.

Diệu Thúy (Nguồn TTXVN.vn)