Nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp trong thực hiện công tác truyền thông, phổ biến các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGÐ), nâng cao các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Hiên, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình đang trong độ tuổi sinh đẻ nên chị rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình. Chị thường xuyên đến cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời các vấn đề bất thường liên quan đến đường sinh sản của mình
Xác định công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và nhiệm vụ quan trong, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ góp phần nâng cao chất lượng dân số, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi. Thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau đẻ, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản tiếp đón cho hàng chục bệnh nhân, đồng thời tư vấn và thăm khám sức khỏe sinh sản cho cả nam và nữ, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Quá trình khám cũng phát hiện nhiều trường hợp bệnh lý về đường sinh sản, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Bác sỹ Đinh Bích Mai, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Trong quá trình khám sàng lọc bằng siêu âm phát hiện tỷ lệ bất thường ở cổ tử cung cao. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi nên đi tầm soát bất thường ở cổ tử cung, buồng trứng để có biện pháp xử trí kịp thời.
Tính riêng trong tháng 7/2020, tổng số lượt khám thai trong tháng 5.085 lượt, khám phụ khoa 5.639 lượt, điều trị phụ khoa 2.997 lượt, số phụ nữ đẻ 1.067; 100% số phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh. Ngành Y tế luôn đảm bảo đáp ứng đủ các phương tiện tránh thai cung ứng đến đối tượng sử dụng thường xuyên và trong chiến dịch góp phần tạo điều kiện cho hơn 99% số phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén; tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần/3 kỳ đạt 98%; tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 100; các tai biến sản khoa đều giảm…
Để làm tốt công tác này, mạng lưới cán bộ làm công tác dân số, sức khỏe sinh sản được kiện toàn và ổn định từ tỉnh đến cơ sở; chất lượng cán bộ các tuyến ngày càng được nâng cao. Các xã, phường, thị trấn cơ bản đã có cán bộ DS - KHHGÐ và nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi thực hiện nhiệm vụ công tác DS - KHHGÐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên. 100% số thôn, bản có y tế thôn bản và cộng tác viên DS - KHHGÐ. Chị Vũ Thị Phượng, Cán bộ y tế thôn bản xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn cho biết được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách thường xuyên tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trong xã tuy nhiên đối tượng chị em trong độ tuổi sinh đẻ lại thường xuyên đi làm công ty nên đôi lúc khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động. Bà Phạm Hiên, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian tới, Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng công tác truyền thông, phổ biến các chính sách về DS - KHHGÐ, đặc biệt là việc đưa chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGÐ đến vùng sâu, vùng xa góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Tăng cường Công tác giám sát hỗ trợ kỹ thuật của tuyến tỉnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tuyến cơ sở; hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn cho các cấp chính quyền và phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được. Phấn đấu đến 2022, 100% các xã có nữ hộ sinh, y sỹ sản khoa hoặc bác sỹ.