Y học Cổ truyền Việt Nam là một ngành y học nghiên cứu, ứng dụng các kiến thức, kinh nghiệm trong phòng ngừa, chẩn đoán, duy trì, cải thiện, điều trị và phục hồi bệnh thể chất và tinh thần dựa trên các hiểu biết từ y học dân gian, y học phương đông và y học hiện đại. Những năm gần đây, xu hướng khám, điều trị bệnh bằng Y học Cổ truyền ngày càng được nhiều người dân trên địa bàn huyện Nho Quan lựa chọn bởi hiệu quả cao trong điều trị các bệnh mãn tính hoặc bị di chứng do tai biến mà không gây tác dụng phụ. Từ thực tế đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan đã chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa Y học cổ truyền, làm tốt công tác khám và điều trị, phục vụ nhu cầu của người bệnh, từng bước xây dựng khoa trở thành chuyên khoa mũi nhọn.

Bà Phạm Thị Biên, xã Yên Quang được chăm sóc, điều trị chứng đau mỏi đầu gối.

Bà Phạm Thị Biên, xã Yên Quang là bệnh nhân thường xuyên đến điều trị chứng đau nhức cổ, lưng, vai gáy, đầu gối tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan. Bà cho biết: Việc lựa chọn điều trị tại bệnh viện tuyến huyện rất phù hợp với những người tuổi cao, sức yếu như bà. Khi đến đây, bà đã được các y, bác sỹ chăm sóc chu đáo, nhiệt tình bằng các phương pháp không dùng thuốc như: massage khớp gối, kéo giãn cột sống, siêu âm trị liệu,… Đặc biệt, khi được trải nghiệm các thiết bị mới của khoa, bà cảm thấy rất thư giãn, tình trạng đau nhức giảm đi nhiều, thể trạng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, bà còn được tư vấn và hướng dẫn về phục hồi chức năng; tuyên truyền phòng ngừa bệnh tật... Trong thời gian tới, bà sẽ tiếp tục duy trì điều trị tại khoa và tuyên truyền để nhiều người cao tuổi gặp các vấn đề đau nhức như bà biết đến để điều trị.

Người bệnh được khám, điều trị bằng phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hồng, Trưởng khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan cho biết: Khoa hiện có 11 cán bộ, nhân viên y tế. Thời gian qua, mặc dù cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, song đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung học hỏi, nâng cao trình độ khám, chữa bệnh thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thảo luận lâm sàng, giao ban hàng ngày và thực hành điều trị nhằm thu hút người dân lựa chọn khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp y học cổ truyền. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Thông tư 07/2014/TT-BYT của Bộ Y tế về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.  Đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phong trào xây dựng Bệnh viện "Xanh - sạch - đẹp" theo Quyết định số 5959/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thanh toán bảo hiểm y tế, viện phí,… Trung bình mỗi ngày khoa tiếp đón và điều trị từ 30 - 40 lượt bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi bị mắc các bệnh như: thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh,… với nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm: điện châm, thuỷ châm, điện trường cao áp, kích thích thần kinh qua da, kéo giãn cột sống,… Mới đây, khoa đã được Hội đồng hương Nho Quan tại Hà Nội và nhà tài trợ trao tặng các thiết bị y tế bao gồm: Giường kéo giãn cột sống; Máy siêu âm trị liệu; Máy điện xung giác hút; Máy từ trường kết hợp nhiệt rung 2 kênh trị liệu; Máy sắc thuốc nhiều bếp áp dụng công nghệ đun cách thuỷ; Bộ giác hơi 24 cốc không dùng lửa và tủ sấy Paraffin với tổng trị giá 350 triệu đồng. Qua đó, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân trong và ngoài huyện.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hồng, Trưởng khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan tiếp nhận các thiết bị y tế từ nhà hảo tâm.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phục hồi chức năng, từng bước xây dựng khoa Y học cổ truyền hiện đại, trở thành chuyên khoa mũi nhọn của bệnh viện, khoa sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động; tăng cường tuyên truyền về các giải pháp chữa lành tự nhiên, an toàn, hiệu quả đến đông đảo người dân trên địa bàn. Đồng thời, kêu gọi các nhà tài trợ quan tâm, đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh.

Trần Tuyết – Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan