Đau đầu là một triệu chứng phổ biến, có rất nhiều nguyên nhân từ đơn giản đến phức tạp, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là những loại đau đầu thường gặp.
1. Đau đầu theo chu kỳ hay đau đầu từng cơn
Nhiều người mắc đau đầu theo chu kỳ hoặc đau đầu theo từng cơn, đây là các cơn đau kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Không rõ nguyên nhân chính xác gây ra các cơn đau đầu nhưng có thể liên quan đến đồng hồ sinh học nằm ở vùng dưới đồi, sâu trong trung tâm của bộ não con người.
Các đợt đau đầu thường có tính chất như: Đau đầu thường xảy ra mỗi ngày, đôi khi nhiều lần trong ngày, một cơn đau duy nhất có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ. Sau một đợt các cơn đau thuyên giảm và ngưng hoàn toàn trong nhiều tháng hoặc đôi khi cả năm.
2. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu hay còn được gọi là đau đầu Migraine cũng thường hay gặp. Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng đau nửa đầu. Một số nghiên cứu cho rằng do yếu tố di truyền. Ngoài ra, còn có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác như sử dụng đồ uống chứa caffein, thay đổi nội tiết tố ở nữ, căng thẳng kéo dài, tiếp xúc thường xuyên đến các yếu tố kích thích giác quan như âm thanh quá lớn, ánh sáng quá chói, mùi hương quá nồng, ngủ đột ngột, ngủ quá nhiều hoặc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, có chứa chất phụ gia, chất bảo quản.
Đau nửa đầu có biểu hiện đau một bên đầu dữ dội, đột ngột, có thể đi kèm các triệu chứng như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng. Các cơn đau nửa đầu có thể kéo dài vài giờ, thậm chí nhiều trường hợp người bệnh đau suốt mấy ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.
3. Căng thẳng dẫn đến đau đầu
Đây là nguyên nhân dễ gây đau đầu nhất, bởi do áp lực, stress do công việc, người thường xuyên sử dụng máy tính hoặc lái xe trong thời gian dài.
Khi mắc đau đầu do căng thẳng thường có đặc điểm của cơn đau có tính chất tiến triển tăng dần, ổn định và cường độ không dữ dội. Cảm giác căng, siết chặt ở vùng đầu và cổ. Không gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn.
Để phòng tránh đau đầu do căng thẳng, người mắc bệnh nên tránh ngủ quá nhiều. Khi cơn đau xuất hiện nên nằm nghỉ tại phòng tối, chườm khăn lạnh và ướt lên trán, thư giãn toàn thân, tập trung từ mắt, trán, cơ hàm và cổ đến chân. Tránh sử dụng các thực phẩm như rượu, bia, trà, cà phê, socola… Nếu dùng các biện pháp trên mà không thuyên giảm hoặc nhức đầu kéo dài và tái phát mà không xác định được nguyên nhân, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán điều trị thích hợp.
4. Do bệnh xoang gây đau đầu
Đau đầu do viêm xoang cũng thường hay gặp, xảy ra khi các đường xoang ở sau mắt, mũi, má và trán bị tắc nghẽn làm tăng áp lực từ bên trong. Cơn đau này có thể cảm nhận được ở một hoặc cả hai bên đầu. Từ đó, cơn đau đầu xuất hiện.
Ngoài ra, tình trạng nhức đầu do viêm xoang xảy ra khi bị dị ứng với một số tác nhân xuất hiện theo mùa hay còn được gọi là viêm mũi dị ứng. Những tình trạng này khiến xoang mũi tăng tiết và tắc nghẽn chất nhầy, tạo cơ hội cho vi trùng phát triển và gây viêm xoang.
Các biện pháp giúp giảm đau đầu do xoang gây ra như: Tăng độ ẩm trong phòng và rửa mũi bằng nước muối đúng cách sẽ giúp giảm bớt tình trạng viêm xoang gây đau đầu. Ngoài ra, có thể xông hơi giúp chất nhầy bên trong xoang mũi thoát ra ngoài dễ dàng hơn hoặc chườm khăn ấm để giảm viêm, giảm sưng, thúc đẩy quá trình làm loãng chất nhầy.
Đau đầu cần làm gì?
Đau đầu thường do rất nhiều nguyên nhân. Người bệnh không nên chủ quan khi nghĩ về các cơn đau đầu. Người bệnh chỉ sử dụng thuốc giảm đau và an thần khi đã loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm thông qua khám, chụp chiếu bởi các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cần chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não - mạch não để chẩn đoán chính xác về các chứng đau đầu.
Nếu cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên, kéo dài hoặc tính chất đau đầu đột ngột dữ dội, kèm các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn, yếu liệt tay chân, thay đổi ý thức, rối loạn tâm thần hành vi... thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm như: Bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não, xuất huyết não, xuất huyết màng não, dị dạng mạch não); bệnh lý nhiễm trùng thần kinh (viêm màng não, viêm não, áp xe não, u não); bệnh lý nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh lý liên quan rối loạn toàn thân khác.
Nếu tình trạng đau đầu ngày càng nặng thì cần đi khám ngay, đặc biệt đối với những người bệnh trên 50 tuổi. Ở nhóm tuổi này có thể gặp đau đầu do bệnh lý viêm động mạch thái dương (hay bệnh Horton). Đây là bệnh lý cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh biến chứng mất thị lực vĩnh viễn. Đối với các cơn đau đầu mới xuất hiện nhưng đi kèm biểu hiện yếu, tê tay chân, nhìn mờ, thì người bệnh vẫn nên được đánh giá khẩn cấp.
Vì vậy, khi có biểu hiện đau đầu thường xuyên, hay tái phát, người bệnh cần đi khám để xác định rõ các cơn đau đầu, nhằm kịp thời chữa trị đúng cách.
Diệu Thúy (Nguồn Báo sức khỏe và đời sống)