Để nâng cao chất lượng công tác dân số, những năm qua, Chi cục Dân số- KHHGĐ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3.

Mặc dù có 2 con gái nhưng gia đình ông Nguyễn Trắc Vượng ở xã Gia Thanh huyện Gia Viễn quyết tâm dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Đến bây giờ hai cô con gái của ông cũng sinh ra 2 cháu gái, ông cũng vẫn khuyên bảo các con tập trung nuôi dạy con cái ngoan học giỏi là được, con nào cũng tốt. Cho đến nay các con cháu của ông đều học hành giỏi giang, con cái đều thành đạt, yên tâm công tác.

Trong những năm qua công tác Dân số của tỉnh Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương và của tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những khó khăn thách thức mới: cùng với sự tăng sinh trở lại thì các vấn đề về chất lượng dân số và đáng lưu ý là việc mất cân bằng giới tính khi sinh đang là những vấn đề cần tập trung giải quyết. Tình trạng MCBGTKS của tỉnh Ninh Bình diễn ra từ những năm trước năm 2007, năm 2007 tỷ số GTKS của Ninh Bình đã là 114 bé trai/100 bé gái; Năm 2017 TSGTKS là 112.7; năm 2018 là 114,2; năm 2019 là 112,5; năm 2020 là 114,2; năm 2021 là 112,04. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các huyện/thành phố trong toàn tỉnh.

Một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trọng nam hơn nữ, cần có con trai để nối dõi. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong những năm gần đây xu hướng gia tăng, thậm chí nhiều người đã lợi dụng sự phát triển của y học hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn chủ quan. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh

Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tăng cường truyền thông về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân nhằm chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các quy định của pháp luật, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…. Vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Duy trì các câu lạc bộ: “Phụ nữ không sinh con thứ ba, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và bình đẳng giới”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”...

Kết quả, năm 2021, đã phối hợp tổ chức 123 hội nghị với gần 10 nghìn người tham gia, tổ chức 184 buổi cung cấp kiến thức cho 13 nghìn lượt người, tư vấn tại hộ gia đình cho 80 nghìn lượt người và 50 nghìn lượt người tại trạm y tế xã. Cùng với đó, hằng năm cấp phát hàng nghìn tờ rơi về chủ đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho các xã triển khai đề án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn. Trao đổi với bác sĩ Đinh Trọng Hiếu, phụ trách trạm y tế xã, Gia Thanh, Gia Viễn được biết: “Hiện đội ngũ cộng tác viên dân số của xã đa phần là trung niên và cao tuổi gây khó khăn trong công tác triển khai vận động; kinh phí chi trả tiền công tác phí cho cộng tác viên dân số hơn 2 năm nay chưa có. Trạm y tế vừa vận động vừa thuyết phục để đội ngũ này tiếp tục gắn bó.”

Hiện Ninh Bình đã bước đầu khống chế được tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, năm 2021 tỷ số giới tính khi sinh là 112,27 bé trai/100 bé gái vượt kế hoạch so với chỉ tiêu giao là 112,64 bé trai/100 bé gái

Để hướng tới mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025, dần đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (107 trẻ trai/100 trẻ gái) vào năm 2030 theo KH số 197 ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025.

Trao đổi với Thạc sĩ Trịnh Thị Hồng, Trưởng phòng Dân số - KHHGĐ, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tập trung vào nhóm các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai các nội dung kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về các hình thức phổ biến, lựa chọn giới tính thai nhi và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ.”

Với mục tiêu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân và chính những người thân trong gia đình./.

 

Thu Trang