Xông mũi họng bằng thảo dược là việc sử dụng nhiệt từ hơi nước kết hợp với dược liệu hỗ trợ trị liệu cảm cúm và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp.

1.Lợi ích của xông mũi họng

Khi xông hơi nước đơn thuần, không khí được làm ẩm và ấm có tác dụng làm lỏng chất nhầy trong mũi, họng và phổi, giảm kích ứng đường hô hấp, làm sạch đường mũi và giảm viêm niêm mạc trên đường thở hoặc ức chế sự nhân lên của virus vì nhiệt của hơi nước.

Xông dược liệu ngoài tác dụng của hơi nước còn thêm tác dụng của các thảo dược. Các vị thuốc được dùng để xông thường chứa tinh dầu, có tác dụng hạ sốt và sát khuẩn đường hô hấp như lá tre, lá bưởi, chanh, sả, bạc hà...

Xông hơi mũi họng trị liệu gây phản ứng được gọi là "cơn sốt nhân tạo". Sốt kích thích hệ thống miễn dịch, tăng sản xuất bạch cầu, tăng sản xuất interferon - một protein chống virus.

Xông mũi họng có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus

Xông hơi mũi họng giúp tăng độ ẩm trong niêm mạc mũi và giải phóng histamine làm giảm phản ứng dị ứng. Ngoài ra, hơi nước cũng làm ổn định niêm mạc mũi do đó giảm sản xuất chất nhờn và tính thấm thành mạch. Hơn nữa, hơi nước hít vào ngăn ngừa ngứa mũi, hắt hơi và tắc mũi.

Xông hơi còn làm tăng tốc độ các quá trình hóa học trong cơ thể, tăng lưu thông dòng máu, tác dụng kích thích hệ thống tim mạch. Điều này làm tăng tuần hoàn máu. Hơi nước hít vào giúp giải phóng endorphin trong cơ thể giúp con người giảm căng thẳng và tạo điều kiện tốt cho giấc ngủ.

2. Xông mũi họng bằng thảo dược như thế nào?

Đây là phương thức đơn giản, rẻ tiền, tiện lợi và có hiệu quả ở một mức độ nhất định với công dụng thanh nhiệt, tuyên phế, chỉ khái, trừ tà vùng hầu họng.

Cách 1- Xông với tỏi

Lấy 1 củ tỏi bóc vỏ giã nhuyễn, lưu trong 5 phút rồi dùng 1 lít nước sôi đổ vào và trùm khăn xông mặt mũi họng hầu trong 10-15 phút, xong lau khô mặt, tránh ra gió. Hít thật mạnh bằng mũi và miệng cho hỗn hợp hơi nước và tinh dầu tỏi vào phổi.

Để dự phòng, xông mỗi ngày 1 lần vào buổi chiều. Để hỗ trợ trị liệu cảm cúm và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp do các nguyên nhân khác nhau xông mỗi ngày 3 lần, sau bữa ăn. Thể nhẹ xông 3 ngày liền, thể nặng xông 5 ngày liền.

Cách 2- Xông với dược liệu

Dùng hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió…hoặc sử dụng tinh dầu của các dược liệu này.

Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại, mỗi loại 200g - 400g, nếu dùng dạng tinh dầu thì 2 - 4ml.

Xông hơi bằng máy xông hoặc đơn giản là sắc thuốc sôi và hít hơi thuốc theo cách sau:

Chọn tư thế ngồi, đầu và cổ che bằng khăn hoặc vải dày để hơi nước trực tiếp đi vào lỗ mũi. Hơi nước không được thoát ra khỏi vải hoặc khăn. Chỉ nên xông hơi tại chỗ vùng mũi họng, không xông toàn thân để tránh mất nước, điện giải, đặc biệt khi bệnh nhân sốt cao. Mỗi lần xông khoảng 10 phút. Liệu trình xông 1 – 2 lần/ngày. Sau khi xông cần lau khô, giữ ấm và tránh gió.

Công dụng làm thông thoáng đường hô hấp, sát khuẩn tiêu viêm khoang miệng, hốc mũi và hầu họng, ức chế tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đường hô hấp trên.

Lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Trẻ em, người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã...

 Diệu Thúy (Nguồn Báo sức khỏe và đời sống)