Khi cơn bão số 3 (Wipha) được dự báo đổ bộ vào đất liền với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, gây mưa lớn, gió giật, kèm theo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt diện rộng, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang thể hiện sự chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống, nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân. Các đơn vị y tế đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống bão một cách bài bản và khoa học.

Tại Trung tâm Y tế Thanh Liêm, Trung tâm Y tế Bình Lục đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo và điều hành công tác phòng chống bão, các Trung tâm Y tế đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thành phần Ban Chỉ huy được bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo sự tham gia của các cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, nhiệm vụ cụ thể cũng được phân công rõ ràng cho từng thành viên, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các bộ phận.

Ngay từ khi nhận được các thông tin cảnh báo về bão Wipha, Trung Tâm Y Tế Thanh Liêm và Trung tâm Y tế Bình Lục đã triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt và chủ động, tập trung vào việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, nhân viên y tế và cơ sở vật chất. Đồng thời tăng cường trực ban, trực cấp cứu 24/24 sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát và củng cố cơ sở vật chất của các đơn vị, Trạm Y tế; đặc biệt là các công trình có nguy cơ ảnh hưởng do gió mạnh, ngập lụt, đã được tiến hành gấp rút. Các phương án chằng chống nhà cửa, kho, di dời trang thiết bị y tế quan trọng lên cao, đảm bảo nguồn điện, nước dự phòng cũng được đặt ra và thực hiện nghiêm túc.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là công tác dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và trang thiết bị cần thiết. Đặc biệt, các loại thuốc, vật tư phục vụ cấp cứu ban đầu, điều trị các bệnh thường gặp sau bão như tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh về đường hô hấp, da liễu do ô nhiễm nguồn nước, môi trường đã được ưu tiên. Các đơn vị cũng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vận chuyển cấp cứu, đảm bảo hoạt động thông suốt ngay cả trong điều kiện mưa bão khắc nghiệt.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nam đã triển khai các biện pháp phòng chống bão một cách chủ động và toàn diện. Bệnh viện đã tiến hành gia cố các công trình, chằng chống cây xanh, đảm bảo an toàn cho khu vực khám chữa bệnh, khu điều trị nội trú, khu nhà thuốc và khu vực trồng dược liệu. Đặc biệt, các khu vực bếp ăn, nhà kho được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh nguy cơ ngộ độc sau bão. chủ động dự trữ đầy đủ các loại thuốc thiết yếu, bao gồm cả thuốc tân dược và các loại dược liệu cổ truyền, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh trong mọi tình huống. Các bài thuốc cổ phương có tác dụng phòng chống cảm cúm, tăng cường sức đề kháng, giải độc cũng được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ người dân.

Bệnh viện đã thành lập đội xung kích phòng chống bão, trang bị đầy đủ phương tiện, vật tư y tế, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, điều trị cho người bị nạn. Các y, bác sĩ được tập huấn về kỹ năng sơ cứu ban đầu, kỹ năng sử dụng các phương pháp y học cổ truyền để giảm đau, an thần, hỗ trợ điều trị các bệnh lý thường gặp sau bão.

Hiện tại, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nam vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh bình thường, đảm bảo người bệnh được chăm sóc chu đáo, tận tình. Bệnh viện cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe trong mùa mưa bão.

Đối với Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cũng đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp, đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người bệnh và đội ngũ y, bác sĩ. Với phương châm "Tất cả vì người bệnh", Bệnh viện đã triển khai đồng bộ các biện pháp, thể hiện sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Tăng cường lực lượng thường trực 24/24h, đảm bảo luôn có đủ nhân lực để tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình bão lũ, chủ động điều chỉnh kế hoạch ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế.

Trước khi bão số 3 đổ bộ, BSCKII Vũ Văn Đạt - Giám đốc Bệnh viện đã yêu cầu tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất, từ hệ thống cửa sổ, cửa chớp đến hệ thống dây điện, cáp truyền và các phòng bệnh, phòng làm việc. Các nguy cơ như bay tốc mái, đổ tường, ngập úng do hệ thống thoát nước quá tải được rà soát và báo cáo để có biện pháp khắc phục, gia cố kịp thời.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đã thành lập các đội cấp cứu cơ động, luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu. Các đội này được trang bị đầy đủ phương tiện, thuốc men, vật tư y tế, có khả năng tiếp cận và xử lý các tình huống khẩn cấp một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Trong tình huống khẩn cấp, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán người bệnh, cán bộ y tế cùng tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, các giải pháp cách ly và phòng chống dịch bệnh cũng được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người bệnh cũng như an toàn cho cán bộ y tế.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm cao, các đơn vị y tế đã sẵn sàng phòng, chống bão số 3 Wipha, đảm bảo người dân được chăm sóc y tế tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.