Trong bão lụt, nước ngập tràn, cuốn theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác động vật... làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, ngay khi nước rút, người dân cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi truờng để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

Xử lý các giếng nước để ăn uống và sinh hoạt

Đối với giếng khơi, dù đã dùng nilông hoặc nắp bịt miệng giếng, nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng vì nắp và nilông chỉ ngăn rác, cặn vào giếng, chứ không ngăn được nước bẩn vào giếng.

Người dân cần tiến hành vệ sinh, thau rửa giếng và khử khuẩn nước giếng như sau: khơi thông tất cả các vũng nước đọng xung quanh khu vực giếng; tháo bỏ nắp và nilông bịt miệng giếng; nếu giếng ngập lụt, nước đục thì phải tiến hành thau vét giếng.

Múc cạn nước và vét hết bùn cặn. Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dùng máy bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trường hợp không thể thau vét được thì chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung.

Nếu tất cả các giếng trong khu vực đều không thể thau vét thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời như múc vài chục lít lên bể chứa rồi đánh phèn và khử khuẩn, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp tiến hành thau rửa.

Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước thì làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20 - 30 lít. Đục một lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên, rồi đổ cát dày khoảng 25 - 30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử khuẩn.

Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng và nước giếng trong thì vẫn phải khử khuẩn trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và thau rửa, nếu không thì có thể tiến hành khử khuẩn ngay nước trong giếng để sử dụng. Một vài tuần sau, tiến hành thau rửa giếng.

Đối với các giếng đã bị ngập lụt thì nhất thiết phải thau rửa và khử khuẩn mới được sử dụng. Khi có hàng loạt giếng bị ngập lụt, nhu cầu cấp nước lớn mà không đủ lực lượng xử lý nước thì ở mỗi cụm dân cư chọn một vài giếng ít bị ô nhiễm xử lý trước để lấy nước dùng ngay.

Làm trong nước bằng phèn chua

Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3. Hoà tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên thành giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử khuẩn.

Sau đó, khử khuẩn giếng nước bằng các chế phẩm khử khuẩn nước sinh hoạt đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực.

Múc một gầu nước, hoà lượng hoá chất vừa đủ vào nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào thành giếng. Thả gầu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm hóa chất vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi Clo thì thôi. Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử khuẩn, sau đó để khoảng 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý, sau khi khử khuẩn ngửi thấy mùi Clo thì việc khử khuẩn mới có tác dụng. Trong trường hợp không có hoá chất khử khuẩn, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử khuẩn.

Đối với giếng khoan, bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa sau đó có thể sử dụng được. Cần Lưu ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng.

 

Xử lý vệ sinh môi trường

Nước rút đến đâu cần huy động cộng đồng làm vệ sinh môi truờng đến đó vì nếu không làm kịp thời, sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.

Các biện pháp thực hiện gồm: đẩy sạch bùn đất ra khỏi nhà cửa; khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.

Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi. Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, loăng quăng và muỗi. Phun hóa chất diệt côn trùng những nơi có nguy cơ cao.

 

*Đối với trường học, khách sạn, nơi làm việc

- Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

- Nguyên tắc lau: Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ chỗ sạch đến chỗ bẩn.

- Lau các bề mặt bằng khăn lau hoặc cây lau sàn có tẩm dung dịch khử khuẩn

* Đặc biệt đối với các cơ sở y tế:

- Khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khuôn viên và khử khuẩn các khoa, phòng. Trường hợp bể chứa nước sạch bị ngập thì sau khi nước rút cần tiến hành thau rửa và khử trùng bể chứa;

-Tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Kiểm tra, khắc phục các khu vực lưu giữ chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

 - Kiểm tra hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải y tế; tăng cường các biện pháp khử khuẩn để xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.

          Đối với vệ sinh cá nhân

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, sau khi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với nước bẩn.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.

- Không ăn thức ăn ôi thiu, thực phẩm quá hạn sử dụng. Không ăn thịt gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập lụt.

- Sử dụng khăn mặt, quần áo riêng. Giặt và phơi khăn mặt, quần áo ra nắng. Không mặc quần áo ẩm ướt.

- Ngủ màn

Đối với nhà tiêu

Nếu nhà tiêu hỏng nặng thì ngừng sử dụng và tạm thời dùng chung với nhà tiêu chưa bị hư hỏng của hàng xóm hoặc có thể chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu.

Xử lý xác súc vật chết

Vị trí chôn xác súc vật tốt nhất là ở ngoài đồng, xa các nguồn nước (ao, sông, hồ...) ít nhất 50m. Có thể chôn xác súc vật ở trong vườn nhưng cần lưu ý là phải cách xa các giếng nước ít nhất 30m và phải xử lý kỹ bằng hoá chất khử khuẩn tẩy uế.

Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8m. Chuyển toàn bộ xác súc vật và hớt một lớp đất khoảng dày khoảng 10cm chỗ xác súc vật nằm cho vào hố chôn. Đổ 2 - 3kg vôi bột lên trên hoặc phun dung dịch hoá chất khử khuẩn, tẩy uế rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.

Khử khuẩn nơi có xác súc vật, sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử khuẩn hoặc rắc vôi bột vào chỗ đó. Nếu không có vôi bột hay hoá chất khử khuẩn thì có thể tập trung rác (khô) vào chỗ đó và đốt.

Kiểm tra nơi chôn xác súc vật, hàng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.

Nguyễn Minh tổng hợp