Bộ Y tế thông báo sửa đổi thông điệp 5K thành 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn (bỏ 3K gồm: Khoảng cách, Không tập trung và Khai báo y tế).
Ngày 8/9, Bộ Y tế đã quyết định đưa ra thông điệp mới về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, nhà chức trách sửa đổi thông điệp 5K thành 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn (bỏ 3K gồm: Khoảng cách, Không tập trung và Khai báo y tế).
Cùng đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch.
Về khẩu trang, Bộ Y tế khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Bắt buộc đeo khẩu trang đối với:
Người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19;
Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
Đối với "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch, cụ thể:
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19.
Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Ý thức người dân: chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu-độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Các biện pháp khác: theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Trước đó, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát thứ 2, thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) được Bộ Y tế áp dụng từ tháng 8/2020.
Tại Việt Nam, đến nay đã tiêm được hơn 257.600.000 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 219.338.464 liều: Mũi 1 là 71.057.114 liều; Mũi 2 là 68.635.632 liều; Mũi bổ sung là 14.803.519 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 50.217.558 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 14.624.641 liều.
Tại hội thảo "Hiệu quả vaccine mũi nhắc lại trong tình hình COVID-19 giai đoạn mới" diễn ra trực tuyến ngày 8/9, theo đánh giá của các chuyên gia trên hơn 50 nghiên cứu đời thực, mũi nhắc lại (mũi ba) của vaccine COVID-19 của AstraZeneca và các vaccine theo công nghệ mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc ngăn ngừa các hệ quả nghiêm trọng do biến thể Omicron như nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh các biến thể phụ tiếp tục xuất hiện.
Các tác giả của nghiên cứu đánh giá này kết luận rằng việc tiêm thêm vaccine mũi bốn (mũi nhắc lại thứ hai) có thể giúp tăng cường mức độ bảo vệ một cách đáng kể. Kết quả của nghiên cứu đời thực tại châu Á cho thấy không ghi nhận bất cứ trường hợp bệnh nặng nào do COVID-19 ở những người được tiêm mũi bốn vaccine AstraZeneca hoặc vaccine theo công nghệ mRNA trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những tác giả của chương trình đánh giá: "Những dữ liệu đời thực này đã giúp củng cố bằng chứng thể hiện rằng tiêm vaccine tăng cường là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh gây quá tải hệ thống y tế trong bối cảnh COVID-19 liên tục đột biến"./.
Diệu Thúy (Nguồn Vietnam+)