Sáng ngày 09/4/2012, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Phòng chống Tăng Huyết áp (THA) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2011 và triển khai hoạt động năm 2012.
Xem hình
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Trưởng Ban điều hành quốc gia Dự án P/C Tăng huyết áp phát biểu tại Hội nghị.

Đến dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống các bệnh không lây nhiễm; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó Ban chỉ đạo; GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch, Trưởng Ban điều hành (BĐH) quốc gia Dự án Phòng chống THA; đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư; đại diện Tổ chức Y tế thế giới và đại diện BĐH Dự án Phòng chống THA của 63 tỉnh, thành phố…

 Tổng kết năm 2011, GS.TS. Nguyễn Lân Việt đã báo cáo kết quả dự án trong dựa trên 5 mục tiêu cụ thể đã đề ra. Với 32 tỷ đồng ngân sách dự án phân bổ, hầu hết các tỉnh đã được UBND tỉnh, Sở Y tế cấp đủ kinh phí; hoàn thành vượt mức kế hoạch truyền thông phòng chống THA; giám sát tốt dự án từ trung ương đến địa phương; đào tạo được 510 lượt cán bộ y tế ở tuyến trung ương và 18.686 lượt cán bộ y tế địa phương; số bệnh nhân THA được quản lý là 41.984 người, đạt 58,3% (chỉ tiêu là 50%) trong 71.972 bệnh nhân được khám sàng lọc từ năm 2010, trong đó 17.613 người điều trị đạt HA mục tiêu. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, dự án còn tồn tại một số khó khăn như chưa có hướng dẫn cụ thể về mô hình, chức năng nhiệm vụ từng đơn vị; chính sách dành cho cán bộ y tế cũng như bệnh nhân THA; vai trò, trách nhiệm của BHYT cũng như các bộ, ban, ngành… liên quan; chưa có chính sách xã hội hóa trong công tác phòng chống THA…; một số ít các tỉnh còn chưa được cấp đủ kinh phí (Tuyên Quang, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Hà Giang) hoặc không được cấp kinh phí hoạt động dự án (Quảng Bình).

 Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh giá trị của chương trình Phòng chống THA, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia, từ năm 2006 - 2011 và khẳng định sự cần thiết và khả thi của dự án nếu được tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo. Thứ trưởng cũng đề xuất mô hình thực hiện dự án gồm: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố làm trưởng BĐH dự án, chịu trách nhiệm chỉ đạo, phân công, giám sát chương trình; cơ quan đầu mối là Phòng nghiệp vụ Y của Sở Y tế; cùng với sự phối hợp của 3 đơn vị là Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, chức năng nhiệm vụ của 3 cơ quan này tùy vào thực tế từng địa phương. Đồng thời các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế cũng như thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông đến tận người dân; đẩy mạnh công tác sàng lọc bệnh nhân và hướng dẫn người dân dự phòng hợp lý; tiếp tục giám sát, đánh giá dự án và có điều chỉnh hoặc xin ý kiến cấp trên để giải quyết kịp thời.

 Trên cơ sở những thành công bước đầu, BĐH quốc gia dự án tiếp tục đề xuất với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt dự án Phòng chống THA vào chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2012 và giai đoạn 2012 - 2015; với 5 hoạt động chủ yếu bao gồm: Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế; Truyền thông giáo dục phòng chống THA; Giám sát việc triển khai các hoạt động của dự án; Trang bị những thiết bị y tế phục vụ công tác tập huấn và sàng lọc THA; Khám sàng lọc và tổ chức quản lý THA (dự kiến ở 05 xã/phường ở mỗi tỉnh/thành phố trên phạm vi tất cả 63 tỉnh/thành phố).

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK