Ngày 20/11, tại Hội nghị Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tay - chân - miệng (TCM) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh (HCM), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương cần tuyên truyền rộng rãi và trực tiếp các biện pháp phòng bệnh tới từng hộ gia đình có trẻ nhỏ, nếu cần có thể sẽ phát xà phòng để khuyến khích và nhắc nhở việc rửa tay. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống TCM tại tỉnh Ninh Thuận – địa phương đầu tiên công bố dịch.
Xem hình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hướng dẫn người dân rửa tay đúng cách.

Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng tại “ổ dịch”

Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cùng Bộ Y tế phát động Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng để nâng cao ý thức phòng chống dịch TCM cho cán bộ ngành y tế và cộng đồng. Ngay sau lễ phát động rửa tay bằng xà phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế trực tiếp thị sát các thôn, xã có trẻ mắc TCM. Tại Trạm y tế xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Bộ trưởng đã thị phạm cách rửa tay đúng và phát tặng xà phòng cho các bà mẹ đang chăm sóc trẻ nhỏ. Kiểm tra việc tuyên truyền kiến thức phòng bệnh và ý thức của người dân, Bộ trưởng và đoàn công tác đã tới thôn Phước Thiện 1 (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước), nơi có nhiều trẻ mắc bệnh TCM. Tại đây, Bộ trưởng nhận định, hầu hết các bà mẹ có con nhỏ tại địa phương chỉ biết về bệnh TCM sau khi có con mắc bệnh. Họ có biết về việc rửa tay phòng bệnh nhưng biết chưa tường tận và chưa thực hành rửa tay khi chăm sóc trẻ, nhất là không chú ý rửa tay cho trẻ.

Báo cáo Bộ trưởng trong buổi làm việc tại BVĐK tỉnh, BS. Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận cho biết, hiện việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn khi cả Khoa Nhi của BV chỉ còn 2 máy monitor và 5 máy thở. Các thiết bị khác phục vụ hồi sức nhi như máy đo huyết áp cầm tay, bơm tiêm tự động cũng rất thiếu và cần được trang bị, hỗ trợ gấp để phục vụ điều trị. Về vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế tham mưu cho UBND và đề nghị trang bị gấp những phương tiện cần thiết. Những thiết bị như máy monitor, máy thở, Bộ sẽ giao cho các cục, vụ xem xét và hỗ trợ địa phương trong thời gian sớm nhất.

Địa phương cần tăng cường truyền thông trực tiếp và “trúng đích”

Tại Hội nghị Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch TCM tổ chức tại TP.HCM do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. Báo cáo tình hình chung cả nước, TS. Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh được ghi nhận nhiều nhất trong tháng 9, đến tháng 11/2011 bệnh đang có xu hướng giảm. Tính đến ngày 15/11, cả nước đã ghi nhận 90.189 trường hợp mắc bệnh tại 63/63 tỉnh, thành phố; đã có 153 trường hợp tử vong tại 28 địa phương. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo TS. Nguyễn Văn Bình, tỷ lệ trẻ ở ngoài cộng đồng mắc bệnh chiếm gần 80%, trong khi đó số trẻ trong mẫu giáo, nhóm trẻ chỉ chiếm hơn 20%.

Về công tác điều trị, BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh nhi đang đổ dồn về và gây quá tải tuyến cuối. Tính đến tháng 10/2011, riêng BV Nhi Đồng 1 có 10.677 trẻ nhập viện, số ca nặng là 766 và 41 ca tử vong. Việc lọc máu trong điều trị TCM được các chuyên gia trên thế giới công nhận và nhiều nước trong khu vực học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cũng cho biết, hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh TCM năm 2011 đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ tử vong/ca mắc đã giảm từ 0,29% xuống còn 0,17%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn trong công tác điều trị như tình trạng quá tải ở các BV tuyến TW; một số bệnh viện có khả năng thực hiện về hồi sức nhi khoa nhưng thiếu máy, trang thiết bị y tế, ôtô vận chuyển cấp cứu.

Nhận định dịch đã giảm so với thời điểm trước nhưng đến cuối năm còn có thể gia tăng, Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương phải tranh thủ mọi nguồn lực và huy động lực lượng y tế cùng với hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên và các sở, ngành… để tuyên truyền phòng chống dịch. Truyền thông tại 63 tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tuyên truyền đúng thông điệp “rửa tay bằng xà phòng” cho cả trẻ và người chăm sóc trẻ. Mục tiêu giảm ca mắc và giảm tử vong phải được đặt lên hàng đầu, khắc phục các khó khăn trong điều trị tại nhiều địa phương, tăng cường tập huấn điều trị cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các BV tuyến tỉnh, quận huyện để phân tuyến điều trị, giảm quá tải cho tuyến trên.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, trong thời điểm từ nay đến cuối năm, từng hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần được phát xà phòng diệt khuẩn và thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền các bậc phụ huynh rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, đặc biệt chú ý vệ sinh nơi sinh hoạt của trẻ để phòng chống bệnh TCM. Phát động 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, chơi sạch để bảo vệ trẻ.

Các biện pháp cần mang tính tổng hợp, “trúng đích” và cần sự tham gia của tất cả các ban, ngành liên quan như giáo dục, hội phụ nữ và toàn cộng đồng chứ không chỉ dựa vào mỗi ngành y tế.

Nước ôzôn không chữa được bệnh tay - chân - miệng

Bộ Y tế khẳng định việc sử dụng nước ôzôn cùng với chanh, muối (hay biện pháp dân gian như tắm lá khế, lá xoài)… chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh TCM giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống. Nước ôzôn rất thích hợp trong việc khử khuẩn dụng cụ y tế, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt, rửa tay, chân... liên quan đến người bệnh nhưng nước ôzôn không có tác dụng vào nhân tế bào và hệ thần kinh trong điều trị bệnh TCM.