Bộ Y tế xây dựng phương án sử dụng ít nhất 70% sản phẩm của dự án cho sản xuất thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh trong các chương trình y tế và chỉ đạo thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng và giá không cao hơn giá nhập khẩu cùng loại tại cùng thời điểm. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những ưu đãi dành cho việc phát triển sản xuất nguyên liệu kháng sinh trong nước…
Xem hình
Ảnh minh họa

Hỗ trợ vốn và kinh phí chuyển giao công nghệ

Theo sự cho phép của Thủ tướng, Dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp nhóm cephalosporin của Công ty Mekophar với Tổng công ty Dược Việt Nam và Dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp nhóm cephalosporin của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với Công ty Ampharco U.S.A sẽ được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi. Theo đó, hai dự án trên sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với mức 70% vốn đầu tư cố định của dự án, với lãi suất cho vay là 3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm, trong đó thời gian gia hạn là 2 năm, trong thời gian gia hạn chưa phải trả gốc và lãi. Đồng thời, hai dự án này cũng sẽ được cấp kinh phí chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực từ ngân sách sự nghiệp khoa học thông qua Dự án chuyển giao công nghệ, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, cũng theo ưu đãi này, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh được miễn thuế nhập khẩu. Miễn thuế suất nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để sản xuất nguyên liệu kháng sinh. Thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu kháng sinh cùng loại với sản phẩm của dự án cũng được điều chỉnh bảo đảm đáp ứng yêu cầu bảo hộ sản xuất trong nước, phù hợp với tình hình sản xuất của dự án, nhu cầu tiêu thụ trong nước từng thời kỳ.

Dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh khác cũng được ưu đãi tương tự

Để khuyến khích sản xuất nguyên liệu kháng sinh trong nước nhằm nâng cao tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng kháng sinh, Thủ tướng cũng cho phép các dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh thuộc các nhóm kháng sinh khác cũng được áp dụng khung cơ chế ưu đãi trên với điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, không thấp hơn mức ưu đãi đã được áp dụng đối với hai dự án trên. Trước ngày 30/8/2011, Bộ Y tế sẽ công bố một số nhóm kháng sinh cần khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh tại Việt Nam và có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp có đủ năng lực tiến hành xây dựng dự án, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến trước khi phê duyệt dự án.

Không chỉ ưu đãi về các chính sách trên, để khuyến khích việc sử dụng thuốc nội nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt dùng thuốc Việt”, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phải phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc ưu tiên xét chọn sản phẩm của dự án trong các Chương trình đấu thầu quốc gia, vùng, miền và các Chương trình đấu thầu trong hệ thống bệnh viện công lập và Bảo hiểm y tế (áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất thành phẩm sử dụng sản phẩm đầu ra của dự án).