Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/9/2011.

Thông tư nêu rõ mọi cơ sở lao động đều phải lập và định kỳ bổ sung hồ sơ quản lý về vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động và bệnh nghề nghiệp; việc đo, kiểm tra môi trường lao động phải được thực hiện bởi đơn vị có đủ điều kiện; việc quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp được thực hiện trên cơ sở phân cấp và kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ.

Để quản lý vệ sinh lao động, Thông tư hướng dẫn lập hồ sơ vệ sinh lao động; lập kế hoạch về quản lý vệ sinh lao động theo định kỳ hằng năm; thực hiện việc đo, kiểm tra các yếu tố vệ sinh lao động theo quy định. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở lao động phải thực hiện việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động sức khỏe theo quy định.

Để quản lý sức khỏe người lao động, Thông tư hướng dẫn khám, phân loại sức khỏe trước khi tuyển dụng và lập hồ sơ quản lý sức khỏe tuyển dụng của người lao động. Khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động, kể cả người học nghề, thực tập nghề và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần cho đối tượng làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định. Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, định kỳ theo dõi bệnh nghề nghiệp, lập và lưu giữ hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp cho đến khi người lao động thôi việc, nghỉ hưu hoặc khi chuyển đến cơ sở lao động khác. Xây dựng phương án xử lý cấp cứu tai nạn lao động bao gồm cả việc trang bị các phương tiện cấp cứu phù hợp với tổ chức và hoạt động của cơ sở lao động; lập hồ sơ cấp cứu đối với mọi trường hợp tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở lao động và lưu trữ cho đến khi người lao động thôi việc, nghỉ hưu hoặc khi chuyển đến cơ sở lao động khác. Các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động được giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động theo quy định hiện hành.

Thông tư cũng quy định trách nhiệm của người lao động, trách nhiệm người sử dụng lao động và trách nhiệm của các đơn vị quản lý thực hiện. Theo đó, người lao động có trách nhiệm tham gia đầy đủ các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động tổ chức; tuân theo các chỉ định khám và điều trị của bác sĩ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện hoặc đơn vị quản lý về sức khỏe lao động môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị quản lý y tế Bộ, ngành tổ chức lập hồ sơ vệ sinh lao động, lập kế hoạch đo, kiểm tra môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động; quản lý hồ sơ vệ sinh lao động, sức khỏe và bệnh tật người lao động, hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp, hồ sơ cấp cứu tai nạn lao động, theo dõi sức khỏe và diễn biến bệnh nghề nghiệp của người lao động; hoàn chỉnh thủ tục giám định sức khỏe, bồi thường, trợ cấp đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; thanh toán các chi phí lập hồ sơ vệ sinh lao động, đo, kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám, điều trị bệnh nghề nghiệp và cấp cứu điều trị tai nạn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc; lập danh mục các đơn vị đủ điều kiện thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế; kiểm tra, phối hợp thanh tra hoạt động của các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động trên phạm vi toàn quốc; chỉ đạo các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng và các trường Đại học y xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn về giám sát môi trường lao động, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp; phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

 

 

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK