Trong thời gian qua, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KKHGĐ) đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt là năm 2009, ngành Dân số đã hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh 0,2‰ Quốc hội giao, góp phần hoàn thành 4/4 chỉ tiêu Quốc hội giao, 15/15 chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Y tế. Có được những thành tích đó, bên cạnh sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước thì không thể không nhắc tới sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thi đua của đội ngũ làm công tác dân số.
Xem hình
Ảnh minh họa

Đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, cán bộ làm công tác DS-KKHGĐ từ trung ương tới cơ sở đã được củng cố, ổn định và dần đi vào hoạt động có nền nếp. Ở tuyến trung ương, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế được kiện toàn cả về cán bộ và tổ chức bộ máy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể quần chúng. Ở cấp tỉnh, 100% các tỉnh thành phố đã thành lập Chi cục DS-KKHGĐ thuộc Sở Y tế, trong đó, bình quân mỗi Chi cục có khoảng 17 cán bộ; đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KKHGĐ do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm trưởng ban. Ở cấp huyện, có 62/63 tỉnh thành lập Trung tâm DS-KKHGĐ, bình quân mỗi Trung tâm  có 5-7 cán bộ; đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KKHGĐ do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm trưởng ban. Ở cấp xã, các cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hoá gia đình được chuyển về trạm y tế xã, một số đã được tuyển dụng thành viên chức, duy trì Ban DS-KKHGĐ xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm trưởng ban và gần 160.000 cộng tác viên DS-KKHGĐ ở thôn, bản.

Công tác truyền thông, giáo dục về DS-KKHGĐ đã có bước chuyển biến rõ rệt, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Hằng năm, tổ chức các đợt truyền thông trọng điểm với sự tham gia của các ban ngành đoàn thể và của các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển đổi hành vi về DS-KKHGĐ. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng và cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số... đã chuyển tải được chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những định hướng lớn về công tác DS-KKHGĐ; phát hiện, giới thiệu kịp thời những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; phê phán những thái độ hành vi chưa đúng về DS-KKHGĐ.

Để góp phần nâng cao chất lượng dân số và nhanh chóng can thiệp, thích ứng với những biến động về cơ cấu dân số, Tổng cục DS-KKHGĐ đã xây dựng và triển khai một loạt đề án, mô hình mới, điển hình như can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; can thiệp, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc ít người; mô hình Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh Thalassemia; nâng cao chất lượng dân số ở một số dân tộc ít người; mở rộng Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các tỉnh khu vực miền Trung...

Ngành Dân số - Kế hoạch hoá gia đình là ngành đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 thông qua việc triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Tổng cục đã tổ chức Hội nghị triển khai,  hướng dẫn 28 tỉnh, thành phố thực hiện Đề án. Ngoài ra, Tổng cục còn tổ chức phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện việc thiết kế và triển khai thử nghiệm một số mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ trẻ em/KHHGĐ đối với người dân vùng biển đảo và ven biển.

Hiện nay, mất cân bằng giới tính đang là vấn đề đáng lo ngại. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, thanh tra, kiểm tra các nhà xuất bản, các tổng công ty và công ty phát hành sách, các nhà sách; các trang thông tin điện tử (website); các cơ sở khám chữa bệnh, quản lý thai nghén, các cơ sở siêu âm. Qua đó đã phát hiện và xử lý một số trường hợp vi phạm về tuyên truyền việc lựa chọn giới tính thai nhi và xác định giới tính thai nhi.

Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009 cho thấy, quy mô dân số nước ta là 85,8 triệu người; trung bình mỗi năm Việt Nam tăng thêm 952.000 người. Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giai đoạn này tăng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Tỉ lệ gia tăng dân số trung bình hàng năm đã giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999 - 2009), đây là mức giảm sinh lớn nhất và tỉ lệ gia tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm xuống còn 2,03 con và đạt dưới mức sinh thay thế.

Với những chỉ số và hoạt động trên, ngành DS-KKHGĐ sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao năm 2010.

Tác giả: An An