Mối đe dọa lớn cho Y tế công cộng ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới hiện nay là các bệnh mới xuất hiện và các bệnh có nhiều khả năng bùng phát thành dịch. Trong một vài năm qua, một số loại dịch bệnh mới xuất hiện nghiêm trọng, như bệnh SARS và cúm A (H5N1) đã bùng phát tại Việt Nam.

Sở dĩ sự bùng phát những bệnh truyền nhiễm xảy ra thường xuyên ở Việt Nam và khu vực Tây Thái Bình Dương một phần lớn là do các quốc gia này có sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm toàn cầu hóa và đô thị hóa, nguy cơ lây truyền các bệnh mới xuất hiện qua biên giới các quốc gia cao hơn bất cứ lúc nào.

Thông lệ Y tế Quốc tế (IHR) sửa đổi (2005) yêu cầu các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, xây dựng, tăng cường và duy trì khả năng của quốc gia mình ở mức độ có thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về khả năng cơ bản trong công tác giám sát và ứng phó dịch bệnh. Việc phát hiện và báo cáo sớm những bệnh truyền nhiễm tiềm tàng là bước quyết định để khống chế nhanh. Đó cũng là cách tốt nhất để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống y tế công cộng, kinh tế và xã hội khi dịch bệnh xảy ra.

Theo đó, Việt Nam cần phải tăng cường năng lực quốc gia về giám sát và ứng phó với dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, ứng phó nhanh và có hiệu quả với những dịch bệnh mới xuất hiện và những vấn đề y tế khẩn cấp khác thuộc mối quan tâm của quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, cũng cần tăng cường thêm hợp tác giữa các quốc gia và phát triển, thực hiện các hoạt động chung để tăng cường năng lực cấp khu vực.

Để tăng cường công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm và khả năng ứng phó dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đang hỗ trợ kỹ thuật ở sáu lĩnh vực chính sau:

1) Giám sát và ứng phó, bao gồm xây dựng Chương trình Đào tạo Dịch tễ học Thực địa (FETP);

2) Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm để hỗ trợ phát hiện ca bệnh và điều tra dịch bệnh;

3) Truyền thông về nguy cơ bùng phát dịch bệnh;

4) Tăng cường phát hiện và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người;

5) Tăng cường khả năng kiểm soát lây nhiễm, kể cả xây dựng và thực hiện chiến lược kiểm soát lây nhiễm quốc gia mới;

6) Tăng cường giám sát y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tham gia Thông lệ Y tế Quốc tế (2005).

Việc xây dựng kế hoạch ứng phó với bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam đã tạo cơ hội để chúng ta xây dựng được các mối quan hệ đối tác mới, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kỹ năng, xác định và thay đổi những mặt còn hạn chế trong hệ thống giám sát và ứng phó các bệnh truyền nhiễm.