Một số trường khối ngành y dược đã có điểm chuẩn đầu vào các mã ngành, tuy nhiên một số trường còn "để ngỏ", các bạn thí sinh yêu thích nghề y nhưng đang phân vân không biết nên nộp hồ sơ vào trường nào, có thể tham khảo thông tin dưới đây để có sự lựa chọn phù hợp, tránh tình huống đáng tiếc là điểm vao vẫn trượt đại học...
Xem hình

* Những em từ 25 điểm trở lên có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội cho biết, đối với hệ Bác sĩ đa khoa, những em có điểm từ 25 điểm trở lên có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, từ 20 điểm trở lên có thể đăng ký các nguyện vọng của hệ cử nhân.

GS Hữu Tú cho biết, trong số hồ sơ nhà trường đã nhận được dải đều các ngành từ Bác sĩ đa khoa đến các ngành hệ cử nhân, ngành Bác sĩ đa khoa chiếm nhiều nhất. “Nếu các em có nguyện vọng vào Trường ĐH Y Hà Nội thì nên nhanh chóng nộp hồ sơ để nhanh chóng biết được có trúng tuyển hay không trong thời gian ngắn nhất. Nếu như các em thấy mình không có khả năng thì còn thời gian để đổi nguyện vọng sang ngành khác, hoặc các em đổi trường. Còn nếu các em cứ để đến cuối đợt mới nộp hồ sơ thì sẽ thiệt thòi cho các em. Lúc đó, có thể thời gian không còn nhiều để các em thay đổi nguyện vọng, đổi lựa chọn trường khác”- GS Nguyễn Hữu Tú đưa ra lời khuyên.

Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tú, khi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội, các em có 4 lựa chọn ngành thì nên lựa chọn thêm 1, 2 nguyện vọng nữa nếu như các em thực sự muốn học với các ngành đó. Lưu ý, các em không nên đăng ký nguyện vọng theo phong trào, vì sẽ mất thời gian của các em và gây khó cho nhà trường trong việc xét tuyển.

* ĐH Dược Hà Nội: Mức xét tuyển bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (15 điểm). Trường hợp Hội đồng tuyển sinh nhà trường xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu, nhưng số thí sinh có cùng điểm xét tuyển cao hơn chỉ tiêu còn lại, hội đồng tuyển sinh có thể thực hiện xét tuyển theo tiêu chí bổ sung. Cụ thể, thí sinh có điểm thi THPT môn Hóa học cao hơn sẽ trúng tuyển. Sau khi xét điểm môn Hóa mà vẫn chưa xác định được điều kiện trúng tuyển, hội đồng tuyển sinh nhà trường tiếp tục xét đến điểm thi môn Toán.

* ĐH Y Dược TPHCM: Hiện nhà trường cũng nhận được lượng hồ sơ lớn và điểm của thí sinh khá cao so với điểm chuẩn. Trong đó, ngành Bác sĩ răng-hàm-mặt tuyển 100 chỉ tiêu nhưng đã có 480 nguyện vọng đăng ký (có 100 thí sinh đạt từ 27,75 điểm trở lên); ngành Y đa khoa hiện có 563 hồ sơ trong khi chỉ tiêu chỉ là 400; các ngành khác như Y học Cổ truyền, Y học Dự phòng, Cử nhân Điều dưỡng... đều có số lượng lớn thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên nộp hồ sơ xét tuyển…

Điểm tối thiểu trường nhận hồ sơ xét tuyển vào 3 ngành (bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt và dược học) là 22 điểm. Các ngành còn lại từ 18 (điểm chưa ưu tiên, không nhân hệ số).

* Học viện y dược cổ truyền: Mức điểm chuẩn nhận hồ sơ xét tuyển cho 2 ngành Dược sĩ, Bác sỹ y học cổ truyền là 15 điểm cho cả 2 mã ngành.

* ĐH Y dược Cần Thơ: Nhóm ngành y dược từ 20 điểm trở lên, nhóm ngành cử nhân từ 17 điểm:

* Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Điểm xét tuyển nguyện vọng 1 là 17 điểm, ngành Y đa khoa và Răng hàm mặt là 21 điểm.

* ĐH Y dược - ĐH Huế: Y đa khoa, răng- hàm -mặt, dược học: 24 điểm; y tế cộng đồng là 18 điểm; Các ngành còn lại: 21 điểm.

* ĐH Y khoa Vinh: Y đa khoa từ 21,0 điểm; Y học dự phòng từ 16,0 điểm; Điều dưỡng và Y tế Công cộng từ 15,0 điểm; cao đẳng từ 12,0 điểm.

* ĐH Y dược Thái Bình: Trường tuyển khoảng trên 900 chỉ tiêu, trong đó y đa khoa là 580 chỉ tiêu. Trước khi xét tuyển trường sẽ sơ tuyển dựa vào kết quả học các môn toán, hóa, sinh trong 5 học kỳ (với những thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2015) hoặc 6 học kỳ (với những thí sinh tốt nghiệp từ 2014 trở về trước). Theo đó các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, dược học có tổng điểm trung bình 3 môn từ 19,5 điểm trở lên; các ngành điều dưỡng và y tế công cộng từ 16,5 điểm trở lên. Sau khi sơ tuyển, trường sẽ xét tuyển căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia theo từng ngành, lấy từ trên xuống đến hết chỉ tiêu. Nếu thí sinh bằng điểm nhau, trường sẽ xét theo tiêu chí ưu tiên điểm thứ tự môn: sinh, toán, hóa (ngành y và điều dưỡng); hóa, toán, sinh (ngành dược).

Trường ĐH Y dược Thái Bình nhận hồ sơ của tất cả những TS đạt kết quả thi THPT từ ngưỡng của Bộ trở lên. Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường, Phó hiệu trưởng, giải thích: “Vì là năm đầu tuyển sinh theo hình thức mới nên trường cũng thấy khó đưa ra ngưỡng, thành thử cứ nhận hồ sơ theo ngưỡng của Bộ rồi xét từ trên xuống. Năm ngoái điểm chuẩn vào ngành thấp nhất của trường là 20 (y tế công cộng), cao nhất là 25 (y đa khoa). Năm nay hy vọng điểm trúng tuyển đạt mức tối thiểu như năm ngoái”.

 

* ĐH Y Hải Phòng: Tuyển 780 chỉ tiêu, trong đó y đa khoa là 450. Trường không sơ tuyển quá trình học mà sẽ nhận hồ sơ của những TS đạt từ ngưỡng của Bộ trở lên, sau đó sẽ xét từ cao xuống thấp. Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Trường tạo điều kiện hết cỡ cho thí sinh. Nhưng những em đã có ý định vào trường y đều biết điểm chuẩn các trường y đều cao. Năm ngoái, điểm chuẩn vào các ngành điều dưỡng, xét nghiệp y học trường tôi là 20; y học dự phòng 20,5; dược học 22; y đa khoa 24; răng hàm mặt 24,5. Năm nay tối thiểu cũng sẽ bằng hoặc cao hơn”.

* ĐH Y Thái Nguyên - ĐH Thái Nguyên: Trường nhận xét tuyển 2 khối. Khối B với các ngành y đa khoa, răng- hàm- mặt, y học dự phòng, điều dưỡng. Khối A với ngành dược học. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ và chỉ tiêu các ngành cụ thể như sau: Y đa khoa 21 điểm (400 chỉ tiêu); răng- hàm -mặt 21 điểm (50 chỉ tiêu); y học dự phòng 19 (100 chỉ tiêu); điều dưỡng 18 điểm (120 chỉ tiêu); Dược học 20 điểm (120 chỉ tiêu).

SKĐS