“Bộ Y tế quá yếu trong việc đấu tranh bảo vệ các bệnh viện. Ai rút ruột quỹ BHYT thì phải xử lý người đó, sao lại bắt người ngay phải trả giá? Nếu không muốn vỡ quỹ bảo hiểm, cần phải tính toán lại cách điều hành quỹ", bà Phong Lan nói với Infonet.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 06/06, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý  An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đoàn ĐBQH TP.HCM – cho rằng cơ quan quản lý đang bị chệch hướng trong việc quản lý bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, do lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm, bên cạnh việc vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan quản lý đồng thời có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi BHYT. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý đấu giá thuốc ở các bệnh viện cũng như việc “siết” không đúng cách đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, mục tiêu đem lại công bằng cho người bệnh không thành công.

Bảo hiểm quyết định cho thuốc nào, bác sỹ và bệnh nhân nhận thuốc đó bởi Nghị định 54 của Chính phủ cấm nhà thuốc bệnh viện không bán thuốc khác ngoài số thuốc đã trúng thầu.

“Như thế rõ ràng là bệnh nhân cần thuốc thì phải ra ngoài mua với mức giá trên trời. Còn nếu nhà nước muốn kiểm soát giá thuốc thì thiếu gì cách, đâu cần phải dùng mệnh lệnh hành chính,” nguyên PGĐ Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan nói.

“Đồng ý là việc đấu thầu là để kiểm soát giá thuốc, nhưng cần phải xây dựng tiêu chí kỹ thuật cho rõ ràng. Nếu chỉ còn là cuộc đấu về giá, cứ giá thấp là thắng thầu. Khi đấu giá xong, bên bảo hiểm sẽ tổng hợp để tham chiếu làm giá kế hoạch mời thầu cho năm sau, với giá kế hoạch thấp nhất. Giá trúng thầu sang năm lại thấp hơn, cứ như thế đến một lúc nào đó giá thuốc sẽ bằng không. Làm gì có chuyện của rẻ là của tốt? Chỉ có đồ tốt với giá hợp lý thôi. Chứ muốn tốt là phải kèm theo nhiều điều kiện, cái gì cũng cần tiền cả”.

Bà Lan cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn sẽ càng khoét sâu chênh lệch về giá giữa khám chữa bệnh bằng bảo hiểm và khám chữa bệnh bằng dịch vụ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Thông tư 11 của Bộ Y tế đã loại bỏ gần 100 biệt dược gốc ra khỏi danh mục đấu thầu của biệt dược. Biệt dược gốc là loại thuốc đắt tiền, cần phải tiết kiệm, nhưng loại thuốc này vẫn rất cần cho những bệnh nhân nặng. Như vậy vô hình trung các thuốc này không có mặt trong các cuộc đấu thầu, nên không được bán trong bệnh viện, và đương nhiên không được bác sỹ kê đơn cho những bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT. Chỉ có bệnh nhân dịch vụ mới được sử dụng những loại thuốc biệt dược đó, trong khi mục tiêu của BHYT là làm sao giảm chi phí gánh nặng y tế cho người dân, tạo sự công bằng trong xã hội nhưng lại không đạt.

Bà Lan nêu thực trạng có DN chào giá thuốc ở bệnh viện mức giá này, sau đó lại chào giá thấp hơn ở bệnh viện khác. Đến khi bảo hiểm yêu cầu bệnh viện nhập giá cao hơn phải trả lại tiền chênh lệch về giá, trong khi số trước đó đã được thanh toán cho bệnh nhân.

“Thành ra bây giờ các bác sỹ, dược sỹ họ không tập trung được vào chuyên môn, họ cứ bị loạn ra bởi mấy chuyện đó”, bà Phạm Khánh Phong Lan than thở với các phóng viên.

Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm không thanh toán bảo hiểm đối với hàng loạt lý do ngoài chuyên môn như: không kết nối mạng, không kê khai giá thuốc trên mạng của Bộ Y tế (trong khi đây là việc của Cục Quản lý dược),…

“Bộ Y tế quá yếu trong việc đấu tranh bảo vệ các bệnh viện. Ai rút ruột quỹ BHYT thì phải xử lý người đó, sao lại bắt người ngay phải trả giá? Nếu không muốn vỡ quỹ bảo hiểm, cần phải tính toán lại cách điều hành quỹ. Sở Y tế TP.HCM có bao nhiêu công việc nhưng trước đây tôi chỉ có 30 dược sỹ dưới quyền, trong khi bản thân đội ngũ dược sỹ của ngành bảo hiểm để "soi", giám sát đã lên đến 80 người” bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn chia sẻ.

Nếu giữ cách làm như hiện nay, bà Lan lo ngại đến lúc nào đó các bác sỹ giỏi sẽ chán nản và bỏ ra ngoài làm.

 

http://infonet.vn