Mặc dù đa bước qua giai đoạn đại dịch nhưng cúm A/H1N1 vẫn đang lưu hành trong cộng đồng và chiếm tỉ lệ lớn trong các chủng cúm lưu hành hiện nay. Vì vậy, dù không còn là mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng nhưng Bộ Y tế vẫn có khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe khỏi nguy cơ mắc cúm A/H1N1, nhất là với những đối tượng dễ xảy ra biến chứng nặng khi nhiễm cúm
Xem hình
Ảnh minh họa

Xung quanh nội dung này, phóng viên báo SK&ĐS đa trao đổi với TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

PV: Xin ông cho biết tình hình dịch cúm A/H1N1 đại dịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay?

TS. Nguyễn Văn Bình: Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, dịch cúm A/H1N1 đã qua giai đoạn đại dịch và bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ tháng 8/2010. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, virut cúm A/H1N1 gây đại dịch năm 2009 sẽ diễn biến như cúm mùa và tiếp tục lưu hành. Từ tháng 10/2010 đến nay, dịch bệnh này vẫn tiếp tục ghi nhận lưu hành tại 64 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, theo kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia, nước ta ghi nhận sự xuất hiện của 3 phân týp virut cúm gồm: cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Trong đó, phân týp virut cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ 50-70% số mẫu bệnh phẩm dương tính với virut cúm. Virut cúm A/H1N1 đã được ghi nhận tại 30 tỉnh, thành phố, đa số các trường hợp mắc đều ở thể nhẹ. Tuy nhiên, cũng như cúm mùa thông thường khác, cúm A/H1N1 vẫn có tỉ lệ biến chứng nặng và tử vong ở một số đối tượng nguy cơ cao. Đã có 7 trường hợp tử vong được ghi nhận tại 6 địa phương, đều là những người có kèm các bệnh khác. Bên cạnh đó, cũng đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H1N1 ở trường học, khu dân cư thuộc 3 tỉnh: Bến Tre, Điện Biên và Bình Phước.

PV: Như vậy, cúm A/H1N1 vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các chủng mùa khác và đã xuất hiện những chùm ca bệnh, liệu có khả năng một đại dịch mới sẽ quay trở lại với tỷ lệ lây lan rất nhanh như khi nó mới xuất hiện vào năm 2009 không thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Điều này ít có khả năng xảy ra bởi cho tới thời điểm này, thế giới vẫn chưa phát hiện sự biến đổi gen của virut cúm A/H1N1 cũng như chưa ghi nhận trường hợp nào kháng thuốc. Do đó, các chuyên gia y tế thế giới vẫn nhận định rằng cúm A/H1N1 cũng chỉ như các chủng cúm mùa thông thường khác. Trước mắt, nó đang thể hiện tính trội hơn so với các chủng cúm mùa khác nhưng không có nghĩa nó là mối đe dọa lớn hơn. Các trường hợp tử vong do cúm A/ H1N1 cũng không phải là vấn đề gì bất thường bởi hàng năm số người tử vong do cúm mùa trên thế giới cũng vào khoảng 250.000-500.000 trường hợp trong số 3-5 triệu người nhập viện do cúm mùa. Tại Việt Nam, mỗi năm cũng có khoảng 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Mặt khác, thời điểm này đang trong mùa xuân, thời tiết lạnh ẩm, tạo thuận lợi cho virut cúm phát triển, lây lan, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, nhà máy, cụm dân cư...

PV: Vậy Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng ngừa mắc cúm A/H1N1 và tránh những biến chứng nặng của bệnh này?

TS. Nguyễn Văn Bình: Dù mắc cúm A/H1N1 hay các chủng cúm mùa khác thì vẫn có tỉ lệ biến chứng nặng xảy ra, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao. Do đó, để phòng bệnh, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng; Thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường... Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời vì đây là những đối tượng dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A/H1N1.

PV: Xin cảm ơn ông!