Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2011

Luật gồm 11 Chương và 72 Điềuquy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Luật nàycó nhiều điểm mới và khác biệt về nội dung so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003.

 Về nguyên tắc quản lí an toàn thực phẩm: Luật quy định trách nhiệm trước tiên về an toàn đối với thực phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, đồng thời phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành và phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

 Về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm: Luật quy định rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền đối với vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm

 Về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh, theo đó, các loại thực phẩm phải đáp ứng đủ hai điều kiện lớn: các điều kiện chung về bảo đảm an toàn và những điều kiện riêng về bảo đảm an toàn tùy theo loại thực phẩm được quy định cụ thể tại Chương III, IV.

Về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Luật quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cụ thể trong Chương V. Để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở đó phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thêm vào đó, Luật giới hạn thời hạn cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm, trong khi Pháp lệnh không quy định thời hạn. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại giấy Chứng nhận nếu tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Trong Pháp lệnh chỉ quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh những thực phẩm có nguy cơ cao mới cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. 

Về phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm là điểm mới được quy định tại Chương VIII, Luật An toàn thực phẩm 2010. Trách nhiệm thực hiện phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc về Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. 

Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm 2010 tại Chương IX còn quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm mục đích nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi nhận thức, hành vi, phong tục tập quán sản xuất, kinh doanh lạc hậu, gây mất an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm, theo đó, cần phải xây dựng chiến lược bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi cung cấp thực phẩm...

 

 

Tác giả: Thu Trang