Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 hằng năm là ngày “Thế giới không thuốc lá”. Để hiểu thêm về tác hại của việc hút thuốc lá, thuốc lào ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế nào và có nguy cơ rất cao mắc bệnh ung thư ở nhiều cơ quan trong cơ thể, xin được cùng trao đổi.
Xem hình

 Hút thuốc lá, thuốc lào (Sau đây gọi chung là hút thuốc) có tác hại rất lớn tới sức khoẻ con người. Điều đó nhiều người đã biết và được khẳng định qua nhiều nghiên cứu. Hút thuốc hiện nay được coi là một nguyên nhân gây chết người chiếm tỷ lệ cao trong số các tác nhân gây bệnh. Hàng năm thuốc lá giết hại khoảng 3 triệu người trên toàn cầu và dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 triệu người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nhiều hơn số người chết do AIDS, lao và tai nạn giao thông cộng lại (Theo nguồn dữ liệu của BYT). Ở nước ta qua nghiên cứu trên 7720 người ở cả ba  miền, thấy tỷ lệ hút thuốc trong nhân dân là 38,8%, nam hút thuốc là 60,8%, còn nữ hút thuốc là 4,3%. Bộ đội, công an, công nhân có tỷ lệ hút thuốc cao và cũng chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về số người chết do các bệnh có liên quan đến hút thuốc. Song tại Bệnh viện K-Hà Nội gần đây có nghiên cứu trên 196 bệnh nhân ung thư phổi thấy: Nếu hút thuốc thường xuyên, nghĩa là ngày nào cũng hút thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút thuốc.

Vậy trong thuốc lá, thuốc lào có chất gì mà gây hại cho sức khoẻ ?

Không có một lĩnh vực nghiên cứu nào mà quan điểm các chuyên gia Y Tế thế giới lại thống nhất với nhau như là trường hợp của thuốc lá. Các nghiên cứu cho thấy, trong khói thuốc có chứa hơn 4000 chất hoá học khác nhau trong đó có hơn 200 chất độc hại tồn tại dưới hai dạng: Dạng hạt và dạng khí.

Dạng hạt gồm các chất nghiện như: Nicotin, hắc ín, các hỗn hợp chất mầu nâu, bao gồm rất nhiều các chất hoá học như Benzen, Benzopyren.

Các chất độc dạng khí trong khói thuốc gồm: CO, những khí độc khác giống như khí thải của ô-tô, xe máy khi chúng không đốt cháy hết nguyên liệu như Amoniac, Dimethylnitrosamin, Formandehyt, Hydrogen, Cyanid, Crolein…

Trong khói thuốc có hơn 60 chất gây ung thư ở người. Đặc biệt có 2 chất nguy hiểm nhất là Nicotin và Hắc ín. Trong bản báo cáo năm 2008 của các chuyên gia nghiên cứu về thuốc lá của Hoa Kỳ khẳng định: “ Tính chất dược lý gây nghiện của Nicotin trong thuốc lá tương tự như các chất ma tuý Heroin và cocain”.

Hút thuốc có thể bị ung thư gì? ở mức độ nào?

Y học đã chứng minh từ nhiều năm nay, hút thuốc là thủ phạm của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người và là nguyên nhân đứng hàng đầu gây nên bệnh ung thư. Quan sát trên lâm sàng thấy có tiền sử hút thuốc thì gặp trong 95% ung thư phế quản-phổi, 91% ung thư tuỵ, 70% ung thư bàng quang, 65% ung thư thanh quản, 56% ung thư khoang miệng, 50% ung thư hạ họng và gây nên hơn 25 loại bệnh khác như viêm phế quản, xơ vữa động mạch, hen, viêm phế quản mãn tính tắc nghẽn (COPD), viêm niêm mạc miệng họng, viêm loét dạ dầy-tá tràng… Phụ nữ mang thai hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc có nguy cơ xảy thai, suy thai, dị dạng thai. Chỉ riêng hút thuốc “làm giảm béo” đã thấy rằng sự độc hại của khói thuốc đối với sức khoẻ con người.

Ảnh hưởng của khói thuốc đối với người hút trực tiếp là quá rõ. Tuy nhiên, khói thuốc ảnh hưởng đến những người xung quanh thì hiểu biết của cộng đồng chưa nhiều, đây gọi là hút thuốc thụ động. Trong một nghiên cứu của Bộ Y Tế tỷ lệ người hút thuốc thụ động là 48,8%, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm 56%. Thời gian hút thuốc thụ động là trung bình là 26 phút/ngày. Hút thuốc thụ động đôi khi còn nguy hiểm hơn hút thuốc trực tiếp nhiều, bởi lẽ đối tượng này phần lớn là phụ nữ và trẻ em và dòng khói thuốc toả ra môi trường từ đầu điếu thuốc đang cháy không qua đầu lọc, chứa số lượng lớn các chất gây ung thư và các chất độc hại khác. Các chất này nhiều gấp 30 lần so với dòng khói chính do người hít vào qua đầu lọc.

Nếu đem so sánh cái lợi do thuốc lá mang lại như: Một sự tỉnh táo nhất thời, một cảm giác thư giãn nguỵ tạo hay một sự giao tiếp dễ dàng, hay lợi nhuận kinh tế thật ra không đáng kể gì so với những nguy cơ gây ung thư, hiểm hoạ chết người mà thuốc lá mang lại. Số tiền lời lãi do bán thuốc lá không đủ chạy chữa cho một phần mười số bệnh nhân ung thư mà nó mang đến.

Hậu quả do các bệnh từ hút thuốc gây nên ngày càng đè nặng lên xã hội và cộng đồng. Các quốc gia đều ý thức được tác hại nghiêm trọng của thuốc lá và đã đề ra các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã lấy Ngày 31 tháng 5 hàng năm là ngày “Thế giới không thuốc lá”.

Ở Việt Nam, Chính Phủ rất quan tâm đến vấn đề tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ. Ngày 14/8/2000 Chính Phủ đã có Nghị quyết về “Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá” giai đoạn 2000-2010. Ngày 11/11/2004 Chính Phủ Việt cũng đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO). Công ước có hiệu lực tại Việt nam từ ngày 17/3/2005. Tháng 10/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị Định 76/2001/NĐ-CP về việc cấm bán thuốc lá cho trẻ em và một số quy định về sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu. Ngày 21/8/2009 Thủ Tướng Chính Phủ đã có Quyết Định số 1315/QQĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Cùng với các bộ, các ngành, Bộ Y Tế đã có Chỉ thị về việc không hút thuốc lá trong các cơ sở Y Tế ngày 19/5/1995 và Chỉ thị về việc đẩy mạnh hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong ngành Y Tế ngày 3/8/2001. Ngày 8/12/2009 UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về việc thực hiện công ước khung kiểm soát thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Hiện nay Quốc hội đang thảo luận để thông qua Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

Các cấp, các ngành hãy tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25/5 đến 31/5, nhằm mục đích cung cấp cho cộng đồng những thông tin về hiểm hoạ của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lào đến sức khoẻ. Kêu gọi mọi người có những hành động tích cực để phòng chống tác hại thuốc lá, nâng cao sức khoẻ và giảm những thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra. Đối với người đang nghiện mà bỏ được hút thuốc sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan. Cần loại bỏ thuốc lá ra khỏi các cuộc họp, hội nghị, đám ma, đám cưới hoặc các cuộc vui liên hoan. Cần có những quy định và thực hiện nghiêm túc việc cấm hút thuốc ở nơi công cộng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc. Tại các nhà ga, bến tàu xe, trên tàu hoả và một số nơi công cộng khác cần bố trí phòng riêng cho người hút thuốc. Cần có định cụ thể những nới cấm hút thuốc. Cần thực hiện nghiêm chế tài xử phạt những hành vi vi phạm hút thuốc tại nơi cấm hút. Nên đưa chương trình tuyên truyền giáo dục phòng chống hút thuốc lá vào trong trường phổ thông. Cán bộ Y tế cần phải gương mẫu đi đầu trong việc chống hút thuốc. Các cơ sở Y tế không được cho kinh doanh thuốc lá trong khuôn viên đơn vị, không hút thuốc trong khi làm việc. Cần phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng chống hút thuốc lá.

Tin tưởng rằng thông qua bài viết này nhân ngày 31/5 năm nay, tạo điểm nhấn khơi dậy tri thức và hâm nóng tinh thần loại khói thuốc ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Người cán bộ Y tế lúc nào cũng là tấm gương trong tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho người dân, trong đó có việc không hút thuốc./.

 Bs.  Vũ Văn Cẩn - Phó giám đốc  Sở Y tế Ninh Bình