Hằng năm cứ vào dịp đầu xuân năm mới, ngành Y tế lại tưng bừng chào đón ngày truyền thống 27 tháng 2. Ngày này năm 1955, Chủ Tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gửi thư động viên khen ngợi thành tích của ngành Y tế cách mạng, đồng thời Người cũng chỉ hướng cho ngành Y tế Việt Nam ngay sau khi cách mạng thành công phải phát triển theo kịp bạn bè quốc tế.
Xem hình
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành y

Theo lời Bác Hồ dạy: Cũng như các ngành khác nhưng ngành Y càng cần phải làm tốt hơn sự Đoàn kết thống nhất trong nội bộ ngành, nội bộ đơn vị; cán bộ, nhân viên ngành Y phải như mẹ hiền đối với người bệnh; phải xây dựng nền Y học Việt nam mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng.  

Sau ngày mang dấu ấn lịch sử ấy, ngày 27 tháng 2 trở thành ngày Thầy thuốc Việt nam. Cứ đến đầu một mùa xuân, đầu một năm mới. Trong không khí mừng vui tự hào của ngày truyền thống, cán bộ nhân viên ngành Y tế ôn lại truyền thống, kiểm điểm lại một năm thực hiện lời dạy trong thư của Người và cùng bảo nhau thi đua làm tốt những điều Bác Hồ dạy.

Chúng ta thực sự khiêm tốn mà tự hào rằng ngành Y tế Việt Nam đã phát triển ngang tầm khu vực cả về quy mô và chiều sâu; mạng lưới y tế phủ kín toàn quốc đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đã có cán bộ y tế thôn bản được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu có hiệu quả. Các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người có công, người khuyết tật được quan tâm ưu tiên hơn trong chăm sóc sức khoẻ. Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến hiện đại đã được chuyển giao từ bệnh viện trung ương về đến các bệnh viện của tỉnh, của huyện tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng và thuận tiện. Đảng và nhà nước ta đã quan tâm đầu tư cho ngành Y tế năm sau cao hơn năm trước với quan điểm đầu tư cho Y tế là đầu tư cho phát triển; sức khoẻ là một trong hai yếu tố quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá-Hiện đại hoá đất nước.

Chất lượng phục vụ của các cơ sở Y tế cũng được nâng lên một bước; sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh (người bệnh) khi đi khám chữa bệnh, niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế cũng ngày một tăng. Đó là kết quả không thể phủ nhận của cán bộ nhân viên ngành Y tế đã đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển ngành, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác Hồ.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc thẳng thắn nhìn nhận lại thì bên cạnh các mặt tích cực trên vẫn còn một số cơ sở, một bộ phận cán bộ nhân viên Y tế chưa thực sự làm việc với cái Tâm của người thày thuốc; chưa đặt bản thân mình vào vị trí người bệnh mà sẻ chia, thông cảm; còn có thái độ ban ơn hách dịch, quát mắng người bệnh. Chúng ta hiểu tâm lý người bệnh khi đau đớn là khó tính hay cáu gắt; đến bệnh viện là lo âu, mặc cảm, hay tủi thân và tìm mọi cách để có được sự quan tâm hơn của các thày thuốc. Người bệnh muốn tìm hiểu về bệnh tật của mình, có nguy hiểm không, diễn biến ra sao và có lây cho người thân không. Muốn được quan tâm hơn, muốn được thăm khám thường xuyên và dùng thuốc ngay. Người bệnh sẵn sàng làm mọi việc kể cả chủ động đưa phong bì, quà biếu trước khi chúng ta thực hiện khám chữa bệnh cho họ. Vì thế, người thầy thuốc cần phải thấu hiểu tâm lý đó của người bệnh để tạo sự tin tưởng, ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu nơi tiếp đón hướng dẫn người bệnh tại khoa khám bệnh. Chúng ta lên án những thái độ cáu gắt, thiếu ân cần hướng dẫn cho người bệnh khi được hỏi, khi người bệnh vô tình không thực hiện đúng nội quy bệnh viện; những câu nói trống không, không có chủ ngữ; những bộ mặt vô cảm khi người bệnh kêu đau và khi lúc người bệnh có diến biến nặng, người bệnh tử vong. Chúng ta cũng triệt để phê phán các hành động của cán bộ Y tế cố tình gây chậm trễ thăm khám xử trí, đùn đẩy người bệnh, gợi ý quà biếu, lợi dụng quyền hạn để trục lợi, mua bán sức khoẻ.

Trên thực tế đã có một số đơn vị được nghe đọc thư Bác nhiều lần, 12 điều Y đức và 4 điều trong quy tắc ứng xử của Bộ Y tế sao in treo khắp nơi; triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thường xuyên, nhưng khi hỏi nhân viên cụ thể là học gì và làm gì ở Bác trong ngành Y của ta thì nói rất chung chung và cho rằng Bác cao siêu lắm không học được ???. Như vậy là chúng ta đã hiểu sai về cụm từ Học tập và Làm theo Bác. Ta cần hiểu rằng học rồi phải tập chứ không học thuộc; học xong rồi thì làm theo chứ không phải làm y; người bệnh cần chúng ta phải làm theo chứ không phải học thuộc lòng rồi không làm những điều đã học. Bác dạy chúng ta Thầy thuốc như mẹ hiền chứ không phải là mẹ hiền. Do vậy đâu cứ phải cho bệnh nhi bú mới là mẹ, khóc cùng người nhà khi người bệnh tử vong mới là mẹ; mà như mẹ hiền là biết thông cảm, chia sẻ khi người bệnh đau đớn; biết hoàn cảnh khó khăn của người bệnh mà giúp đỡ; giải thích bệnh tình rõ ràng, hướng dẫn nội quy bệnh viện và cách dùng thuốc tỷ mỷ. Xưng hô giao tiếp văn hoá với người bệnh; lễ độ với người hơn tuổi, nhẹ nhàng với trẻ em. Không cáu gắt, nói trống không, nói vắn tắt để người bệnh hiểu nhầm đáng tiếc như “cởi áo ra; kéo quần xuống; nằm lên giường; không chăm được thì về gọi người khác; ông là bác sỹ hay tôi là bác sỹ....”. Vì lý do chuyên môn mà chưa cho dùng thuốc hoặc chưa phẫu thuật được cần giải thích rõ cho người bệnh; nếu bận quá nhiều bệnh nhân thì phải giao cho điều dưỡng giải thích những điều cơ bản. Song song với thực hiện giao tiếp ứng xử tốt với người bệnh thì cán bộ Y tế phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn để có đủ khả năng làm chủ khoa học công nghệ, để cứu sống được người bệnh. Nếu không, khi người bệnh hiểm nghèo chúng ta cũng chỉ ngồi trông và thương người bệnh chức không giúp được gì.  

Lãnh đạo đơn vị khi bố trí cán bộ làm việc tại những nơi tiếp đón, khoa khám bệnh cần lựa chọn những người có kỹ năng giao tiếp, tính tình nhẹ nhàng, thái độ ân cần niềm nở để tạo ấn tượng tin tưởng, dễ chịu cho người bệnh ngay từ ban đầu đến bệnh viện. Thái độ của nhân viên y tế cũng là liều thuốc cho người bệnh. Các cơ sở Y tế cần quán triệt tinh thần “Không nhận phong bì, quà biếu trước và trong khi khám chữa bệnh; người mặc áo trắng (bluse) không được thu tiền và người được phân công thu tiền không mặc áo trắng”. Đặt thùng thư góp ý ở nhiều khu vực có người bệnh và thường xuyên mở lấy thư góp ý. Ban Giám đốc phân công dự họp hội đồng người bệnh hằng tuần; mở số điện thoại nóng 24/24 giờ tiếp nhận phản ánh của người bệnh. Nêu trên giao ban gương tốt và chưa tốt trong chăm sóc điều trị người bệnh. Mọi hoạt động lấy người bệnh làm trung tâm và đặt quyền lợi người bệnh lên trên các quyền lợi khác.

Người bệnh và người nhà người bệnh cũng cần tìm hiểu để biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đến bệnh viện. Vấn đề này đã được nêu rất rõ trong Luật khám bệnh chữa bệnh. Cần thực hiện tốt nội quy bệnh viện; quy định chuyên môn vệ sinh bệnh viện và tôn trọng thày thuốc. Cùng chia sẻ với ngành Y tế còn gặp nhiều khó khăn như sự quá tải người bệnh; sự bất cập của cơ chế chính sách nhất là chính sách Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó cán bộ Y tế thường xuyên tiếp xúc bệnh tật nguy hiểm có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Mức lương còn thấp nhất là các cán bộ điều dưỡng và nhân viên phục vụ. Nhân dân cùng tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu và đặc biệt là giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Y tế; thường xuyên phản ánh kịp thời, cụ thể những điều tốt, chưa tốt ngay với trưởng khoa, với giám đốc bệnh viện để chấn chỉnh.

Thiết nghĩ rằng mỗi người chúng ta ai cũng đừng nghĩ về cái tôi nhiều mà hãy vì sức khoẻ cộng đồng; tăng thêm lương tâm và trách nhiệm, chắc chắn người dân được hưởng lợi nhiều và ngành Y tế sẽ phát triển chất lượng toàn diện./.  

Vũ Văn Cẩn – PGĐ Sở Y tế