Đến huyện Kim Sơn (Ninh Bình), khi hỏi về tấm gương tận tụy với người bệnh trong ngành y tế, ai cũng nhắc tới chị Trần Thị Trường Giang, Trạm trưởng Y tế xã Chất Bình. Không chỉ người dân vùng biển Kim Sơn biết đến chị Giang mà trong số những tấm gương điển hình của ngành y tế Ninh Bình, đều có tên chị, luôn nhắc đến chị như một tấm gương sáng hết lòng vì công việc, vì người bệnh, được bà con nhân dân địa phương trân trọng và quý mến.

Sau khi học xong trung cấp y sĩ tại Trường CĐ Y tế Ninh Bình, chị Trần Thị Trường Giang nhận quyết định về quê hương Chất Bình làm việc. Những ngày đầu, với vốn kiến thức trên sách vở cùng với cảnh thiếu trang thiết bị ngành y ở một trạm y tế trên vùng đất nghèo, chị Giang đã "vượt cạn" bằng cách tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, học tập thêm kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước.

Chính vì yêu nghề, nhiều lần chị Giang đã chẩn đoán và chữa thành công một số bệnh thông thường tại cơ sở. Đồng thời, chị thường xuyên đến từng gia đình vận động đồng bào phòng chống dịch sốt xuất huyết, giữ gìn vệ sinh thôn, xóm ngăn chặn kịp thời các loại bệnh có thể xảy ra trên địa bàn như tiêu chảy, đau mắt đỏ, cùng nhiều bệnh khác do ký sinh trùng gây ra. Năm 2004, chị được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chất Bình và trong suốt hơn chục năm qua, nơi đây không có ổ dịch, cuộc sống của người dân được ổn định.

Chất Bình là xã nằm xa với trung tâm huyện Kim Sơn, thu nhập của gần sáu nghìn người trong xã còn thấp, trong đó 47% số dân theo đạo Thiên chúa. Chị Giang nhiều lần tham mưu với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho mỗi người, mỗi nhà. Trong đó, chú trọng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, xây dựng các công trình vệ sinh, nhà tắm, hố tiêu, bể chứa nước bảo đảm vệ sinh theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Bênh cạnh đó, bố trí cán bộ y tế xã kiểm tra giám sát từng nhà, từng khu vực nhất là các khu chăn nuôi, trang trại nhằm giảm ô nhiễm môi trường do chất thải của vật nuôi rồi vận động từng gia đình ý thức giữ gìn vệ sinh chung là bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình họ.

Vượt lên gian khó của một xã nghèo, chị Giang thường xuyên cho cán bộ và nhân viên trạm y tế phối hợp với các ngành, đoàn thể ở xã mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh theo mùa, bảo đảm vệ sinh thực phẩm nhằm ngăn ngừa ngộ độc do thực phẩm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, chị còn chú trọng tiêm phòng cho trẻ theo lứa tổi do Bộ Y tế và ngành y tế Ninh Bình quy định. Trạm y tế Chất Bình thường xuyên cử nhân viên trực 24/24h để nắm bắt và theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ em sau tiêm chủng vác xin, kịp thời xử lý các trường hợp người dân bị bệnh do tác động thời tiết như cảm cúm, tiêu chảy, sinh đẻ.v.v… Nhờ đó, trong nhiều năm qua, việc khám, chữa bệnh của trạm y tế xã Chất Bình đều vượt chỉ tiêu đề ra, xã không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ trẻ em đến trạm tiêm chủng vắc-xin đạt 100%, không trường hợp nào bị phản ứng với thuốc.

Chữ Tâm của người Trạm trưởng Y tế xã Chất Bình được thể hiện rõ nét bằng cử chỉ ân cần của người thày thuốc với người bệnh. Chị Giang luôn coi người bệnh như chính người thân của mình để gần gũi, để hỏi thăm và chia sẻ. Ông Nguyễn Minh Châu, 75 tuổi, xóm 9, xã Chất Bình, cảm động khi nói về chị Giang: "Tôi thường xuyên đau ốm nên hay phải đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Nơi đây, tôi được nhân viên y tế thăm hỏi bệnh tình, tư vấn về bảo vệ sức khỏe nên rất yên tâm. Không chỉ riêng tôi mà người bệnh khác trong xã khi đến trạm y tế cũng được chị Giang thăm khám tận tình, chu đáo".

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại cơ sở, người chị Giang còn trực tiếp tham gia nhiều hoạt động về truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình, tư vấn cho những bà mẹ đang mang thai kiến thức về phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em. Vượt lên gian khó của bản thân về thu nhập thấp của một trạm y tế ở xã nghèo, hoàn cảnh gia đình gặp không ít khó khăn, chị Giang còn nỗ lực phấn đấu, tự học thêm ở các đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chị quyết tâm khắc phục khó khăn để theo học lớp chuyên tu 5 năm tại Trường ĐH Y Thái Bình nhằm đáp ứng năng lực khám, chữa bệnh cho nhân dân tại cơ sở.

Với chữ Tâm của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, chị Trần Thị Trường Giang được đồng nghiệp và nhân dân yêu quý, trân trọng. Nhiều năm liên tục chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND huyện Kim Sơn tặng giấy khen. Hai năm gần đây (2014 và 2015), chị được Bộ Y tế và UBND tỉnh tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và khám chữa bệnh cho nhân dân tại cơ sở.