Dị vật đường thở là những vật mắc lại trên đường thở từ thanh quản xuống tới phế quản phân thùy. Dị vật đường thở là cấp cứu thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày nếu không được chẩn đoán, xừ trí đúng dễ dẫn tới các biến chứng nhẹ thì bị ho sặc tím tái, viêm phổi, nặng sẽ tử vong. Nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng mức, bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở.
Xem hình

Dị vật đường thở gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn (75% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi), do trẻ em thường có thói quen ngậm thức ăn, các hạt hay đồ chơi trong mồm của trẻ. Hoặc khi trẻ đang ăn bị ho, sặc, đặc biệt là khi bịt mũi bắt trẻ phải há miệng để cho ăn hay uống thuốc sẽ rất dễ gây sặc sang đường thở. Tuy nhiên đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Dị vật có thể là động vật như xương , vảy tôm cá… hoặc thực vật như các hạt na, hạt hồng xiêm… đặc biệt là các hạt có dầu như hạt lạc dễ gây nên nhiễm độc. Ngoài ra còn gặp dị vật là chất vô cơ, kim loại như khuya áo, cặp tóc . ghim, bút máy…

Các triệu chứng thường gặp khi bị dị vật đường thở:

- Hội chứng xâm nhập: Khi trẻ ngậm hoặc đang ăn đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát. Đó là do dị vật khi qua thanh quản, niêm mạc bị kích thích, chức năng phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản được huy động để tống dị vật ra ngoài.


- Khó thở thanh quản:  Trẻ ráng sức thở vào, có tiếng rít thanh quản, bứt rứt vật vã do đường thở bị bịt tắc. Trong trường hợp dị vật to có thể gây bít tắc gần hoàn toàn thanh quản làm trẻ khó thở thanh quản nặng có khi ngạt thở cấp.


Nếu dị vật không gây các triệu chứng trên, hoặc có nhưng thoáng qua, có thể bị bỏ qua khiến sau đó có thể bị viêm phổi tái phát.


- Khám phổi bằng ống nghe có thể phát hiện tiếng thở rít do đường thở bị hẹp hay một số triệu chứng của viêm phổi, khí thũng phổi, hoặc dấu cờ bay lật phật do dị vật di chuyển theo nhịp thở.


- Chụp X quang cổ nghiêng hoặc phổi thẳng có thể cho phép chẩn đoán dị vật đường thở đặc biệt là các dị vật là kim loại, còn các loại khác thường ít có biểu hiện trên phim chủ yếu là hình ảnh các biến chứng do dị vật gây ra.

Cách xử trí:


- Nếu dị vật là chất lỏng: bệnh nhân khó thở do phản xạ co thắt thanh môn. Để cấp cứu, đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2-3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thương vị, nhồi 2-3 cái để trẻ ho bắn ra và thở trở lại. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu ngưng tim.


- Nếu dị vật cứng:


+ Trường hợp bệnh nhân không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra, nếu có sẽ tiến hành soi gắp dị vật.


+ Khi người bệnh khó thở tím tái, cách xử trí giống như khi bị sặc chất lỏng. Nếu bệnh nhân lớn có thể làm nghiệm pháp Heimlic: để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm có thể tống dị vật ra. Nếu không kết quả phải tìm cách đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để soi gắp dị vật.


+ Nếu bệnh nhân lờ đờ, vật vã, phải thọc tay móc ngay dị vật ra vì thường đây là dị vật to gây bít tắc thanh môn. Còn với vật nhỏ hơn, có thể thổi miệng đẩy luôn dị vật xuống sâu để bệnh nhân có thể thở được, sau đó chuyển đến bệnh viện. Sau khi soi, bệnh nhân cần dùng thuốc kháng viêm và kháng sinh trong 7-10 ngày.


Do dị vật dường thở có thể gây ra những biến chứng nặng nên các bậc cha mẹ cần chú ý: không nên để cho trẻ em đưa các vật và đồ chơi vàp mồm ngậm và mút. Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như: hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa... Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK