Lao kháng thuốc là là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại với các thuốc chống lao.

Nguyên nhân: phổ biến nhất là do người bệnh không tuân thủ đúng theo điều trị. Bệnh nhân tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ trị lao. Bệnh nhân không biết rằng vi trùng lao “sống dai” và rất nguy hiểm. Sau một thời gian “nằm ẩn mình” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại. Lúc này, người bệnh trở nên bị lao kháng thuốc, và bệnh sẽ nguy hiểm hơn lúc phát bệnh lao ban đầu. Ngoài ra, cũng có những bệnh nhân bị khó chịu do tác dụng phụ của thuốc lao trong quá trình điều trị, nhưng không đến tái khám để BS điều chỉnh thuốc, mà tự bỏ trị nửa chừng. Cũng có những bệnh nhân uống thuốc lao không đều đặn, hay uống không đủ liều thuốc…. Tất cả những trường hợp này đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng lao trở nên kháng thuốc.

Kháng thuốc có thể do vi trùng lao: vi trùng lao là loại vi trùng dễ đột biến, nói dễ hiểu hơn là chúng “rất khôn”, dễ thay đổi cấu trúc để chống lại thuốc lao. Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc thì vi trùng lao vẫn có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc phải bệnh lao kháng thuốc ngay từ trước khi điều trị lao, có nghĩa là, chúng ta hít phải vi trùng lao vốn đã kháng thuốc từ những người khác đã bị lao kháng thuốc trong cộng đồng, và sau đó loại vi trùng kháng thuốc này sẽ sinh sôi nảy nở trong cơ thể chúng ta. Bạn cũng cần biết rằng trong cộng đồng chúng ta có rất nhiều người bị lao kháng thuốc, nhưng chưa được điều trị và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.

Sự kháng thuốc có thể xếp thành 3 loại:

Kháng thuốc tiên phát: là sự kháng thuốc xảy ra ở bệnh nhân chưa được dùng thuốc chống lao lần nào. Nguyên nhân là do vi khuẩn lao kháng thuốc lan truyền từ bệnh nhân khác sang.

Kháng thuốc mắc phải hay còn gọi là kháng t huốc thứ phát là sự kháng thuốc sau khi dùng các thuốc chống lao ít nhất một tháng. Nguyên nhân do dùng thuốc không đúng liều lượng và phối hợp thuốc không đúng gây nên sự chọn lọc vi khuẩn kháng thuốc.

Đa kháng thuốc là hiện tượng vi khuẩn lao kháng lại ít nhất 2 loại thuốc chống lao trong đó có kháng rifampicin và INH và kháng cùng với các thuốc chống lao khác. Để đối phó với sự kháng thuốc của vi khuẩn lao, ngăn ngừa sự chọn lọc tạo ra chủng kháng thuốcvà sự lan truyền các chủng kháng thuốc trong cộng đồng, cần phải áp dụng đúng nguyên tắc điều trị lao

Làm sao phát hiện lao kháng thuốc: Bạn cần phải làm xét nghiệm nuôi cấy vi trùng lao và kháng sinh đồ lao. Có nghĩa là phòng xét nghiệm sẽ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của bạn (đờm, dịch cơ thể…) để tìm vi trùng lao, sau đó khi vi trùng lao mọc lên, chúng sẽ được thử với các loại thuốc lao xem “nhạy”với thuốc nào và “kháng” với thuốc nào. Quá trình nuôi cấy vi trùng và thử thuốc lao này mất khoảng 2 đến 3 tháng mới có kết quả. Như vậy, thông thường thì BS sẽ không thể biết được bạn có kháng thuốc lao hay không, khi bạn vừa mới được phát hiện bệnh lao.

Điều trị lao kháng thuốc.

Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng. Điều trị lao kháng thuốc cần kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường, và các thuốc lao hàng hai dùng trong điều trị lao kháng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn, và cần được theo dõi nhiều hơn. 

Phòng ngừa lây lao

Bệnh lao hầu như chỉ lây lan qua đường hô hấp. Như vậy, chỉ những bệnh nhân bị lao phổi mới có khả năng phát tán vi trùng lao và lây lan bệnh cho người khác. Những bệnh nhân không bị lao ở phổi, mà bị lao ở các cơ quan khác (lao hạch, lao ổ bụng, lao màng não…) thì hầu như không lây lan bệnh lao cho người khác.

Bác sĩ: Nguyễn Văn Thảo - Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi