Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh nhân chủ yếu của sởi là trẻ em độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi và một số trường hợp cả người lớn tuổi.
Xem hình
Ảnh minh họa

Như chúng ta đã biết, các vụ dịch sởi thường xảy ra 2 đến 4 năm. Năm nay chu kỳ dịch có thể lặp lại và những con số thống kê các ca mắc sởi đang tăng lên. Tại tỉnh Ninh Bình, So với cùng kỳ năm 2017 số ca mắc sởi ước năm 2018 tăng gấp 13 lần (từ 2 ca lên đến 26 ca), chủ yếu ở những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Do đó, phòng ngừa và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh sởi sẽ giúp hạn chế dịch lây lan và nguy cơ tử vong. Sau đây là một số đặc điểm về bệnh sởi.

Đường lây truyền

Bệnh Sởi lây qua đường hô hấp, khi người bệnh vô tình ho, hoặc hắt hơi, virus sởi có trong nước bọt của người bệnh, sẽ có thể bắn sang những người khác, dẫn đến lây bệnh. Ngoài ra, nếu chẳng may tiếp xúc bằng tay với nguồn bệnh, sau đó vô tình đưa tay lên miệng, mũi thì cũng sẽ bị nhiễm sởi.

Triệu chứng

- Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, người mắc bệnh mới có những triệu chứng của bệnh. Một số dấu hiệu bệnh sởi tiêu biểu:

- Sốt nhẹ ho khan , ho không có đờm kéo dài liên tục, chảy nước mũi…

- Mắt đỏ: là dấu hiệu của viêm võng mạc, không chịu được ánh sáng.

- Bên trong miệng, gần gò má sẽ xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên là các nốt sần trắng còn gọi là các hạt koplick. Các hạt này tồn tại khoảng 12-14 giờ.

- Đến giai đoạn phát ban khi bệnh đã bắt đầu lan nhanh ra bên ngoài bằng những mảng ban to nổi cộm lên bề mặt da. Ban thường xuất hiện trình tự, từ sau tai, gáy sau đó xuất hiện ở vùng trán, má. Sau đó lan toàn bộ đầu, mặt, cổ rồi xuống thân mình. Ngày đầu ban mọc hết vùng mặt, cổ. Ngày thứ 2 mọc đến bụng, đùi. Ngày thứ 3 ban mọc đến hai chi dưới và bắt đầu bay ở vùng đầu mặt, sốt giảm. Đặc điểm ban là không ngứa, dạng dát sẩn, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, xung quanh ban có da bình thường.

          Bệnh sởi còn có những biến chứng nguy hiểm như gây ra các bệnh: viêm não, viêm giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, tai mũi họng…

Phòng bệnh

- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

          Lưu ý:

          - Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.

          - Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.

          - Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.

          - Bổ xung sung Vitamin A để dự phòng thiếu vitamin này, giúp bảo vệ mắt:

          + Trẻ dưới 6 tháng: Uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

          + Trẻ 6- 12 tháng: Uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

          + Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: Uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp

Tác giả: Thế Phương