Nhiều bệnh nhân rất lo lắng khi được chẩn đoán “Lộ tuyến hoặc có nang Naboth cổ tử cung” vì nghĩ mình bị bệnh rất nặng, khó chữa, thậm chí nhiều bài viết trên các trang mạng mang tính chất hù dọa, nào là lộ tuyến là nguvên nhân gây ung thư cổ tử cung, là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới, thậm chí có thể gây tử vong…
Lộ tuyến hoặc nang Naboth cổ tử cung là những biến đổi lành tính ở cổ tử cung, không phải là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, không cần điều trị nếu lộ tuyến ít, không có viêm nhiễm... Lộ tuyến hoặc nang Naboth cổ tử cung không liên quan đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung hoặc bất kỳ điều kiện nào gây ung thư.
Đối với phần lớn phụ nữ, chứng lộ tuyến hoặc nang Naboth cổtử cung không gây ra bất kỳ vấn đề gì và nó thường tự khỏi mà không cần điều trị.Chỉ điều trị khi lộ tuyến rộng, gây khó chịu cho người phụ nữ hoặc viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần.
Lộ tuyến cổ tử cung là gì?
Lộ tuyến cổ tử cung là hiện tượng mà tế bào từ trong ống cổ tử cung (tế bào tuyến, hay tế bào trụ) có mặt trên bề mặt ngoài của cổ tử cung, là nơi bình thường chỉ có tế bào gai, hay tế bào lát (Biểu mô tuyến bị lộ ra ngoài).
Nơi mà các tế bào tuyến gặp các tế bào biểu mô lát, được tìm thấy trên bề mặt ngoài của cổ tử cung, được gọi là vùng chuyển tiếp (Tz) hay ranh giới lát-trụ. Bác sĩ có thể nhìn thấy vùng lộ tuyến cổ tử cung màu đỏ khi kiểm tra cổ tử cung bằng mỏ vịt (vì các tế bào tuyến là màu đỏ). Lộ tuyến tử cung có thể là bẩm sinh (khi sinh ra đã có), nó có thể xuất hiện do sự thay đổi hormone (nội tiết tố), vì vậy cũng có thể gặp lộ tuyến cổ tử cung ở phụ nữ trẻ, phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ dùng thuốc viên tránh thai....
1.Tuổi niên thiếu: Biểu mô tuyến nằm hoàn toàn trong kênh cổ tử cung. Khi khám bằng mỏ vịt, bác sĩ chỉ thấy biểu mô lát hồng láng.
2. Tuổi sinh sản: khi xuất hiện lộ tuyến, bác sĩ sẽ thấy một phần biểu mô lát hồng láng ở vòng ngoài cổ tử cung, biểu mô tuyến màu đỏ nằm lộ ra bên ngoài, chiếm vùng trung tâm, sát lỗ cổ tử cung. Nếu dùng máy soi cổ tử cung phóng đại lên sẽ thấy mô tuyến có hình chùm nho, tiết nhầy. Lộ tuyến cổ tử cung có thể tự tái tạo. Khi đó tế bào lát sẽ mọc đầy tế bào tuyến vào trong kênh (tái tạo hoàn toàn) hoặc mọc phủ lên trên tế bào tuyến. Khi ấy tế bào tuyến bên dưới vẫn tiết dịch, nhưng không thoát ra ngoài được, tạo thành những nang nhỏ, gọi là nang Naboth.
3. Tuổi mãn kinh: do sự thiếu hụt estrogen, các mô sinh dục teo nhỏ đi, biểu mô tuyến ở cổ tử cung nằm sâu trong kênh cổ tử cung, kéo theo ranh giới lát- trụ cũng chạy vào trong kênh. Vì vậy khi khám bằng mỏ vịt, bác sĩ chỉ thấy biểu mô lát teo mỏng, với những mạch máu nằm dưới niêm mạc li ti màu đỏ.