Trẻ suy dinh dưỡng bào thai hiện nay vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn, đặc biệt ở các nước đang phát triển, hậu quả của suy dinh dưỡng bào thai có thể mang lại cho thế hệ tương lai không ít ảnh hưởng về sự phát triển cả về thể chất và tinh thần .
I. Định nghĩa:
Trẻ suy dinh dưỡng bào thai là khi cân nặng của trẻ 10% percentile trọng lượng theo tuổi ( dưới -2D so với cân nặng chuẩn theo tuổi thai)
Suy dinh dưỡng bào thai có 2 dạng: suy dinh dưỡng bào thai không cân đối và suy dinh dưỡng bào thai cân đối.
Suy dinh dưỡng bào thai không cân đối: là những trường hợp suy dinh dưỡng ở mức độ trung bình, thường thì cân nặng của trẻ giảm nhưng vòng đầu của trẻ trong giới hạn bình thường theo tuổi. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng dạng này là do giảm vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang con trong trường hợp suy bánh rau, mẹ hút thuốc, do tình trạng bệnh lý hoặc suy dinh dưỡng của mẹ.
Suy dinh dưỡng bào thai cân đối: là những trường hợp suy dinh dưỡng ở mức độ nặng, ảnh hưởng không chỉ đến cân nặng, mà cả đến chiều cao, vòng đầu của trẻ. Nguyên nhân thường gặp là rối loạn nhiễm sắc thể, những bất thường bẩm sinh nặng nề (nhiễm vi rút thời kỳ bào thai).
II. Nguyên nhân:
1. Do mẹ:
- Nhiễm độc thai nghén
- Tăng huyết áp mãn tính, đái đường, Collagenose, bệnh thận…
- Thiếu oxy trong bệnh phổi mãn tính, bệnh tim, thiếu máu.
- Suy dinh dưỡng thời kỳ mang thai
- Nhiễm độc thuốc lá, rượu, thuốc phiện
- Rối loạn mạch tử cung: u xơ tử cung, dị dạng tử cung…
2. Do rau:
- Rau tiền đạo
- Thiếu máu cục bộ (thường do tăng huyết áp)
- U máu bánh rau
3. Do thai
- Dị dạng (8%) hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, NST bất thường 21,18,13
- Nhiễm trùng: nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng
III. Những biến chứng của trẻ suy dinh dưỡng bào thai:
1. Biến chứng sau đẻ:
+ Trẻ dễ bị tử vong trong thời kỳ chu sinh do các biến chứng như: bệnh não do thiếu máu, hít nước ối, tồn tại tuần hoàn thai nhi và suy các cơ quan.
+ Trẻ hay bị rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết
+ Trẻ có thể bị các bất thường về huyết học, thường gặp là đa hồng cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu là hậu quả của tình trạng suy tế bào gan do thiếu oxy trong tử cung.
+ Khả năng tiêu hóa của trẻ kém hơn trẻ cùng tuổi, trẻ dễ bị viêm ruột hoại tử, đặc biệt là ở trẻ bị suy dinh dưỡng nặng. Ngược lại nhu cầu dinh dưỡng của trẻ suy dinh dưỡng bào thai cao hơn so với trẻ đủ cân.
2. Biến chứng lâu dài:
+ Phát triển thể chất và thần kinh: phần lớn trẻ suy dinh dưỡng bào thai phát triển tốt về mặt thể lực (90-95%). Có một số ít trẻ, không phát triển kịp so với trẻ cùng lứa tuổi. Trong trường hợp trẻ có chiều cao dưới hoặc bằng -3SD ở tuổi 30-36 tháng cần cho trẻ dùng hoc môn tăng trưởng.
+ Tiên lượng về phát triển thần kinh của trẻ phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ suy dinh dưỡng bào thai không cân đối có tiên lượng tốt hơn về phát triển thần kinh. Những trẻ này thường có rối loạn về hoạt động, tính cách, sự tập trung ở giai đoạn học đường.
IV. Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng bào thai:
Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ bằng cách ủ ấm, đối với trẻ có cân nặng dưới 2000g nên cho trẻ vào lồng ấp trong vòng 24-48 giờ đầu sau sinh.
Trong vòng 3 ngày đầu phải theo dõi đường máu, canxi máu, công thức máu, nếu có rối loạn phải xử trí kịp thời.
Chỉ cho trẻ ăn bằng đường miệng khi nhu động ruột bình thường, bụng mềm. Chú ý tăng dần lượng sữa qua đường miệng. Nhu cầu của trẻ tăng 10-20 ml/kg/ngày so với trẻ đủ cân cùng lứa tuổi.
Chăm sóc hàng ngày như trẻ đủ cân nhưng về lâu dài cần theo dõi sự tăng trưởng, sự phát triển tinh thần và vận động của trẻ.
1. Chế độ ăn:
Cho trẻ bú sữa mẹ là tốt nhất vì sữa mẹ là loại sữa tốt nhất, hoàn hảo nhất đối với trẻ.
Cho bú càng sớm càng tốt, bú theo nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú sớm ngay trong những giờ đầu sau đẻ để tận dụng được sữa non của mẹ. Sữa non rất giàu các globulin IgA và các yếu tố miễn dịch khác, giúp cho trẻ chống đỡ với các tác nhân gây bệnh.
Thành phần của sữa thay đổi trong vòng 2-3 ngày, hiện tượng “xuống sữa” xảy ra vào ngày thứ 3, nó thường liên quan đến sự tăng cân của trẻ. Theo dõi trẻ bú sữa mẹ dựa vào hiệu quả của mỗi bữa bú, sự tăng cân của trẻ trong những ngày đầu của cuộc sống.
Nên hạn chế cho trẻ ăn thêm sữa bò, trừ trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, hạ đường huyết, cân nặng của trẻ giảm trên 10% cân nặng lúc sinh trong tuần đầu.
Chống chỉ định bú sữa mẹ là rất ít. Về phía trẻ hầu như không có, trừ trường hợp Galactosemie bẩm sinh. Về phía mẹ bao gồm: một số trường hợp mẹ bị bệnh mãn tính có sử dụng thuốc gây độc cho trẻ, hoặc tình trạng sức khỏe của mẹ không cho phép, mẹ bị nhiễm HIV, viêm gan B,C, lao phổi nặng, có khả năng lây truyền trực khuẩn lao và độc tính của thuốc điều trị.
Để duy trì nguồn sữa mẹ, người mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ và hợp lý, chế độ nghỉ ngơi thích hợp, uống đủ nước, tinh thần thoải mái.
Nếu mẹ không đủ sữa thì cho ăn thêm sữa ngoài. Loại sữa và cách pha sữa đúng theo tuổi của trẻ. Chú ý vệ sinh miệng cho trẻ sau mỗi lần bú để giúp trẻ không bị tưa miệng. Cần phát hiện sớm tưa miệng để điều trị kịp thời, tránh hậu quả trẻ bị tưa miệng bỏ bú, suy dinh dưỡng, ỉa chảy do nấm.
2. Vệ sinh:
Tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước sạch. Tránh kỳ mạnh, nên xoa nhẹ nhàng da trẻ bằng khăn mặt bông, khăn xô mềm. Việc sử dụng xà phòng có thể làm tổn thương lớp bảo vệ của da, do vậy nên dùng loại xà phòng dùng cho trẻ em.
Chăm sóc rốn: Chăm sóc vệ sinh nhiều lần trong ngày, nhất là trong trường hợp dính phân hoặc nước tiểu. Vệ sinh rốn tốt nhất là bằng Chlohexidine hoặc Iode 1%. Chú ý phát hiện sớm những dấu hiệu nhiễm trùng rốn để điều trị kịp thời.
Vệ sinh mắt: nhỏ mắt hàng ngày cho trẻ sau khi tắm bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc Cloramphenicol 4‰ trong vòng một tuần đầu.
Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ: Quần áo mặc cho trẻ nên dùng chất liệu vải sợi bông, đủ ấm, tránh hạ thân nhiệt, tránh nóng quá (đảm bảo thân nhiệt của trẻ 36o5- 37o).
3. Tiêm phòng cho trẻ:
- Tiêm bắp hoặc uống vitamin K 2mg cho trẻ mới sinh. Đối với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, vì trong sữa mẹ không đủ vitamin K nên cần bổ sung vitamin k 2mg hàng tuần trong vòng 6-8 tuần (sử dụng Vitamin K Roche dạng giọt, 1 giọt = 1mg), để phòng xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh do thiếu vitamin K.
- Vitamin D: cho trẻ uống vitamin D từ 1000 đến 1200 đv/ ngày trong trường hợp bú sữa mẹ, 800-900 đv/ ngày trong trường hợp trẻ bú sữa bò.
- Tiêm phòng lao và viêm gan B cho trẻ trong tháng đầu sau khi sinh
V. Phòng suy dinh dưỡng bào thai cho trẻ:
Xử lý tốt tất cả các nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai