Ngày nay người ta biết rõ ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra. Tùy theo mỗi loại ung thư mà có những nguyên nhân riêng biệt. Một tác nhân sinh ung thư có thể gây ra một số loại ung thư và ngược lại một loại ung thư có thể do một số tác nhân khác nhau. Có nhiều yếu tố liên quan đến sinh bệnh ung thư trong đó có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư: hóa học, vật lý và sinh học.
Xem hình
Cấu tạo chất benzen có trong thuốc lá gây ung thư.

Nguyên nhân hóa học

Các yếu tố hoá học là các tác nhân chủ yếu gây bệnh ung thư ở người. 65% các bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư phổi, khoang miệng, hạ họng - thanh quản, thực quản, bàng quang, vú, cổ tử cung, đại - trực tràng là do hút thuốc, chế độ ăn không hợp lý và một số yếu tố khác gây nên.

Thuốc lá

Vai trò gây bệnh của hút thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút của cuộc sống. Tính trung bình, tuổi thọ của những người hút thuốc giảm từ 5 - 8 năm so với người không hút do các bệnh thuốc lá gây nên bao gồm các bệnh về ung thư, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn...

Thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% tổng số các trường hợp ung thư trong đó chủ yếu là ung thư phổi, ung thư hạ họng - thanh quản, thực quản, cổ tử cung, ung thư tụy, ung thư đường tiết niệu. Riêng ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp.

Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe bao gồm các chất gây nghiện và các chất gây độc. Đặc biệt, trong số này có tới 43 chất đã được chứng minh gây nên bệnh ung thư như benzopyren, nitrosamin, cadmium, nickel, urethan, toluidin.

Qua thống kê người ta thấy, người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 10 lần người không hút. Nếu nghiện nặng với liều trên 20 điếu/ngày thì nguy cơ cao gấp 15 - 20 lần. Tuổi bắt đầu hút càng trẻ cũng như số năm hút càng nhiều thì nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan càng cao. Hút thuốc lá nâu có nguy cơ cao hơn thuốc lá vàng. Hút thuốc lào cũng có nguy cơ cao như thuốc lá. Tục lệ ăn trầu thuốc cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư khoang miệng.

Người sống và làm việc với người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư và một số bệnh khác liên quan tới thuốc lá. Dòng khói phụ có từ sự đốt cháy ở đầu điếu thuốc lá chứa các chất độc gây ung thư còn cao hơn dòng khói chính do người hút hít vào trong phổi của mình.

Người đang nghiện mà bỏ được hút thuốc cũng làm giảm được nguy cơ gây ung thư. Những người không hút thuốc nhưng sống trong môi trường có người hút thuốc, thường xuyên hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động) cũng có nguy cơ bị ung thư phổi và các loại ung thư liên quan. Trẻ em hít phải khói thuốc theo cách này cũng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen phế quản, viêm tai giữa, ảnh hưởng tới cơ tim và một số bệnh đường ruột.

Chế độ ăn và ô nhiễm thực phẩm

“Bệnh vào từ miệng và họa cũng từ miệng ra” là câu nói của người xưa phần nào áp dụng đối với bệnh ung thư. Bản thân thực phẩm không gây ung thư nhưng các chất bảo quản thực phẩm, các chất trung gian chuyển hoá và các chất sinh ra từ nấm mốc là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Ngày nay người ta còn thấy mất cân bằng các thành phần trong chế độ ăn, nhiều chất béo quá làm tăng nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học đã chứng minh được là có khoảng hơn 30% số trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn.

Bình thường trong rau cải hàm lượng nitrit chỉ ở dạng vết nhưng khi muối dưa thì hàm lượng nitrit tăng lên do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit. Khi dưa bị khú thì hàm lượng nitrit tăng cao nhất. Trong cơ thể các nitrit sẽ tác dụng với amin bậc 2 có trong một số thức ăn như tôm, cá, đặc biệt là mắm tôm tạo thành hợp chất nitrosamin. Đây là chất gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Chính vì vậy nên hạn chế ăn dưa muối, đặc biệt không ăn dưa khú.

Benzopyrene được tạo ra khi thịt được nướng bằng than hoặc xông khói. Benzopyrene cũng được tạo ra khi rán thức ăn bằng dầu/mỡ đã sử dụng. Đây là chất đã được chứng minh gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Để hạn chế nguy cơ gây ung thư từ benzopyrene nên tránh nướng thức ăn khi lò còn khói và nên hạn chế ăn thức ăn nướng hoặc rán.

Nấm mốc Aspergillus flavus thường có ở gạo và lạc bảo quản không tốt, tiết ra chất độc có tên aflatoxin gây ung thư gan. Chế độ ăn nhiều mì chính, ăn mặn cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá như ung thư dạ dày.

Rượu không sinh ung thư nhưng rượu mạnh gây bỏng mạn tính niêm mạc hạ họng và thực quản có thể gây ung thư sau này. Người ta ăn trầu thường phải có vôi, vôi đã tôi là chất kiềm có thể làm bỏng niêm mạc miệng, họng.

 Về chế độ ăn, thức ăn có nhiều chất béo động vật gây tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng. Trái lại chế độ ăn có nhiều rau xanh, hoa quả và nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ các ung thư này.

Trên cơ sở các nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra những lời khuyên dưới đây về chế độ ăn để giảm thiểu nguy cơ gây ung thư:

- Ăn nhiều rau và hoa quả tươi: chú ý rau quả ăn hằng ngày phải tươi và càng đậm màu càng tốt (màu xanh đậm của rau, đỏ thẫm của cà chua, cà rốt...). Nên ăn rau quả tươi hoặc luộc sơ qua, hạn chế xào, rán. Rau, đậu nếu được hấp và luộc chín sẽ giảm đáng kể hàm lượng vitamin và các chất cần thiết.

- Cơm, bánh mì và các loại ngũ cốc khác nên nấu từ loại gạo xát không quá kỹ, bánh mì làm từ hạt lúa mỳ chưa rây, bánh mỳ đen càng tốt.

- Giảm chất béo: Ăn thịt, cá nạc là chính. Không nên ăn và xào, rán thức ăn bằng mỡ động vật. Nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật nhưng cũng nên hạn chế càng ít càng tốt.

- Dùng ít thức ăn ướp mặn: Các thức ăn bảo quản lâu bằng cách hun khói, ướp muối, ngâm dấm đều không tốt cho cơ thể.

- Hạn chế uống rượu.

- Tự kiểm tra cân nặng của bản thân: Nên có một chế độ ăn điều độ, tránh ăn uống quá mức hay lợi dụng tiệc tùng, bớt ăn thực phẩm béo, nhiều đường, hạn chế các loại nước ngọt, bánh, kem... Nên định kỳ tự kiểm tra cân nặng 3 tháng một lần để điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập cho phù hợp.

Tác nhân sinh học gây bệnh ung thư     

Tác nhân sinh học liên quan đến ung thư chủ yếu là virut. Một vài loại ký sinh trùng và vi khuẩn cũng gây ung thư.

Virut gây ung thư

Virut có thể xâm nhập vào tế bào chủ và gây ung thư. Điều này thấy trong ung thư cổ tử cung, ung thư gan do virut viêm gan B, một số loại ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết và ung thư mũi họng. Các loại virut được nghiên cứu đến nhiều nhất gồm:

Virut viêm gan B: Đây là loại virut có thể gây ung thư gan nguyên phát, thường gặp ở châu Phi và châu Á trong đó có Việt Nam. Virut viêm gan B thường lây truyền qua đường truyền máu, dùng chung kim tiêm, mẹ truyền cho con trong thời kỳ mang thai và qua quan hệ tình dục với người nhiễm loại virut này.

Khi xâm nhập cơ thể người, virut này gây viêm gan cấp, có khi chỉ thoáng qua. Sau đó một số người bệnh chuyển thành viêm gan mạn tính không triệu chứng trong nhiều năm. Tổn thương này qua thời gian dài sẽ dẫn đến hai biến chứng là xơ gan toàn bộ và ung thư tế bào gan. Việc khẳng định virut viêm gan B gây ung thư gan là quan trọng, giúp chúng ta có một phương pháp phòng bệnh tốt bằng tiêm chủng chống viêm gan B.

Virut gây u nhú: Virut gây u nhú ở người (HPV) đã được chứng minh là gây ung thư cổ tử cung và liên quan đến các ung thư vùng sinh dục ngoài của nam và nữ đặc biệt là type 16,18. Virut này lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu. Hiện nay vaccin phòng chống virut này đã được sản xuất và sẽ sớm được đưa vào tiêm phòng ngừa cho chị em phụ nữ.

Các virut khác

- Virut Epstein-Barr: Virut Epstein-Barr lần đầu tiên có mặt ở bệnh ung thư hàm dưới của trẻ em vùng U-gan-đa. Sau này người ta còn phân lập được virut này ở ung thư vòm mũi họng, loại ung thư khá phổ biến ở vùng ven Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Nhiều bệnh nhân ung thư vòm có kháng thể chống kháng nguyên của virut này. Tuy vậy, vai trò gây bệnh trực tiếp của virut chưa được khẳng định chắc chắn vì tỷ lệ nhiễm virut Epstein-Barr trong dân khá cao trong khi chỉ một số bị ung thư vòm.

- Virut bệnh bạch cầu ở người: Đây là loại virut được thấy trong bệnh bạch cầu ở người. Cũng giống như virut Epstein-Barr, người ta chưa khẳng định chắc chắn mối liên quan nhân quả giữa virut và ung thư máu.

Ký sinh trùng và vi khuẩn

Sán Schistosoma là ký sinh trùng được coi là nguyên nhân ung thư bàng quang và một số ít trường hợp ung thư niệu quản. Sán này hay gặp ở châu Phi và Trung Đông.

Vi khuẩn được đề cập đến trong ung thư nhiều nhất là Helicobacter Pylori (HP). Người ta thấy có mối liên quan giữa HP và ung thư dạ dày. Vi khuẩn cũng gây viêm loét dạ dày mạn tính và có thể điều trị bằng kháng sinh.  

Tác giả: Trung tâm TTGDSK