Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút (28/7) năm 2025, Cục Phòng bệnh hướng dẫn các đơn vị triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống viêm gan vi rút như sau:

Tăng cường sự hiểu biết của người dân về phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, điều trị kịp thời và các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút nhằm thực hiện mục tiêu giảm lây truyền viêm gan vi rút, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút vào năm 2030.

Năm 2025, Việt Nam chọn chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rú t và ngăn ngừa ung thư gan”. Chủ đề này tương đồng với chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút năm 2025 do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành: “Let’s break it down. Breaking the barriers to hepatitis elimination and liver cancerprevention” (Hãy cùng phân tích. Phá vỡ rào cản để loại trừ viêm gan vi rút và phòngngừa ung thư gan).

Chủ đề “Phá bỏ rào cản để tiến tới loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan” là thông điệp trọng tâm của chiến dịch truyền thông cho Ngày Thế giới Phòng chống Viêm gan vi rút, nhằm kêu gọi hành động mạnh mẽ từ ngành y tế và toàn xã hội. Phá bỏ rào cản bao gồm rào cản về nhận thức, về tiếp cận dịch vụ y tế, về tài chính, về kỳ thị xã hội. Nhiều người dân không biết mình mắc viêm gan B, C do bệnh diễn tiến âm thầm gây tổn thương gan và ung thư gan, mặc dù viêm gan B, C có thể phòng ngừa, viêm gan vi rút C có thể điều trị khỏi. Tại nhiều địa phương, người dân còn chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh viêm gan vi rút và hậu quả của bệnh, do đó, họ chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời để xét nghiệm, điều trị bệnh. Thêm vào đó, chi phí xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút lâu dài cũng là gánh nặng cho gia đình bệnh nhân khi họ không có bảo hiểm y tế. Vẫn còn tồn tại sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những bệnh nhân mắc viêm gan vi rút. Chủ đề năm nay nhấn mạnh nhu cầu đơn giản hóa, mở rộng quy mô và tích hợp các dịch vụ về viêm gan vi rút như tiêm vắc-xin phòng bệnh, thực hành tiêm an toàn, giảm tác hại và đặc biệt là xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút vào hệ thống y tế.

Đến năm 2030, loại trừ bệnh viêm gan vi rút và ngăn ngừa ung thư gan là mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta phải hành động ngay để mở rộng khả năng tiếp cận, tích hợp dịch vụ chăm sóc và loại trừ viêm gan vi rút như một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Viêm gan vi rút là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan và là nguyên nhân gây tử vong ngày càng tăng trên toàn cầu. Trên thế giới, viêm gan vi rút mãn tính gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là do ung thư gan và xơ gan. Tức là 3.500 ca tử vong mỗi ngày, tương đương với bệnh lao. Viêm gan B và C đang lây lan âm thầm, với 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Mặc dù có thể phòng ngừa và điều trị được, gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở những khu vực có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc hạn chế.

Tại Việt Nam, năm 2022, ung thư gan đứng hàng đầu trong 5 bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan cao nhất thế giới, 90% các trường hợp ung thư gan do viêm gan vi rút B và C.

Chúng ta có thể ngăn ngừa 2,8 triệu ca tử vong vào năm 2030 nếu hành động ngay: Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiến tới loại trừ viêm gan vi rút. Chúng ta đã có trong tay các công cụ hiệu quả như các can thiệp đặc hiệu để dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, vắc xin phòng viêm gan A và B, cũng như các thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là phần lớn các ca mắc viêm gan vi rút chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và gia tăng nguy cơ biến chứng. Triển khai tiêm vắc xin phòng viêm gan vi rút, mở rộng xét nghiệm, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và chăm sóc toàn diện với con người là trung tâm sẽ góp phần cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa hiệu quả ung thư gan.

Theo đó, các nội dung truyền thông về Dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút:

Đối với người dân: Xét nghiệm viêm gan B và C, đặc biệt là tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm viêm gan B trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thời gian mang thai. Tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ cho trẻ theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Tìm hiểu thông tin và trao đổi với nhân viên y tế về xét nghiệm và điều trị sớm viêm gan vi rút. Giúp chấm dứt kỳ thị bằng cách chia sẻ thông tin chính xác.

Đối với các cơ quan y tế tại địa phương: Ưu tiên chẩn đoán và điều trị sớm, tập trung vào nhóm đối tượng là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Lồng ghép truyền thông về phòng ngừa viêm gan vi rút vào các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đảm bảo quyền tiếp cận xét nghiệm và điều trị viêm gan vi rút cho người dân. Thực hành tiêm/truyền máu an toàn. Đảm bảo tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ cho trẻ theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh. Mở rộng quy mô xét nghiệm và điều trị tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm HIV, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, kiểm soát ung thư và sức khỏe bà mẹ và trẻ em.  Mở rộng và lồng ghép cung cấp các dịch vụ về viêm gan vi rút qua bảo hiểm y tế. Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa viêm gan vi rút và ung thư gan. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút...

Diệu Thúy