Ngày 01/8/2024 thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm có ghi nhận 01 trường hợp mắc Sốt xuất huyết tại xóm 8, Khánh Thành, Yên Khánh, Ninh Bình. Ngay lập tức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập đoàn giám sát, điều tra, hỗ trợ Trung tâm y tế huyện Yên Khánh và Trạm Y tế xã Khánh Thành xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.

Bệnh nhân P.N.H 45 tuổi tại  xóm 8, Khánh Thành, Yên Khánh. Ngày 26/7/2024, bệnh nhân  thấy khó chịu trong người, sốt, đau đầu, đau mình mẩy, tê bì chân tay, không nôn; bệnh nhân tự mua thuốc điều trị 5 ngày nhưng không đỡ.

Chiều ngày 31/07/2024 bệnh nhân sốt, li bì, xuất hiện các chấm xuất huyết ở cả 2 cánh tay, người nhà đưa bệnh nhân đến khám tại Phòng khám đa khoa Thiện Đức sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình khám và chuyển xuống khoa Truyền nhiễm điều trị; khoảng 19h ngày 31/07/2024 bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định (Mac-Elisa) cho kết quả dương tính với vi rút Dengue.

Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân đã hết sốt, còn các chấm xuất huyết ở cánh tay, còn đau mình mẩy, vẫn còn mệt mỏi.

Để kiểm soát tình hình dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh, trạm Y tế xã Khánh Thành xuống hộ gia đình của bệnh nhân và hàng xóm xung quanh điều tra dịch tễ, giám sát véc tơ tại khu vực xóm 8, xã Khánh Thành. Cùng với đó, chỉ đạo Trạm Y tế xã Khánh Thành chủ động tham mưu với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, UBND xã Khánh Thành huy động nguồn lực địa phương thực hiện vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, lon bia, vỏ dừa… để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thực hiện tuyên truyền, phát tờ rơi cho gia đình bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh.Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại nhà bệnh nhân và khoảng 40 hộ gia đình xung quanh.

Hướng dẫn cán bộ Trạm Y tế xã sau khi vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, lật úp những dụng cụ chứa nước đọng… tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi theo quy định.

Trao đổi với bác sĩ Trần Văn Thiện, Khoa Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Địa điểm tại xã đã từng xảy ra dịch vào tháng 9/2023, kèm theo người dân có đi lại từ các vùng dịch về nên nguy cơ xuất hiện các ca bệnh tiếp theo là rất cao. Chúng tôi đã chỉ đạo Trạm Y tế tham mưu với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã cần chủ động các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tích cực tuyên truyền cho người dân địa phương tránh lơ là, chủ quan để xảy ra dịch bệnh lan rộng. Đề nghị các ban, ngành, đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân của xã … thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Sốt xuất huyết, các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết trước, trong và sau khi có dịch bệnh; Hỗ trợ trạm y tế xã trong công tác mua hóa chất, nhân lực phòng chống dịch khi xuất hiện thêm các trường hợp bệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu Trạm Y tế xã Khánh Thành tiếp tục theo dõi và giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết xuất hiện trên địa bàn; viết bài tuyên truyền phát trên loa truyền thanh 2-3 lần/ngày; Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh điều tra và giám sát véc tơ sau khi phun hóa chất.

Hiện nay đang là thời gian cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh đó tình hình sốt xuất huyết tại các địa phương khác trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp nên trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục tăng nếu không có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và kịp thời. Để kiểm soát tình hình, cần phải có sự vào cuộc của ngành Y tế, sự tham gia chủ động và tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là người dân trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết.

 

Bác sĩ Thiện cũng cho biết:  Bệnh Sốt xuất huyết nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh bằng nhiều biện pháp. Đơn giản và hiệu quả nhất đó là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, loại bỏ các ổ lăng quăng ngay tại chính các hộ gia đình và khu vực xung quanh. Muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết thường sống ở các vùng nước sạch ở các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt… chứ không sống ở những khu vực nước bẩn như cống, rãnh. Vì vậy để phòng bệnh chúng ta cần làm giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh bằng cách: đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước sau khi sử dụng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thay nước lọ hoa, chậu cây thủy sinh thường xuyên; xử lý các dụng cụ phế thải có thể chứa nước; Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dọn sạch rác rưởi xung quanh khu vực sống để giúp môi trường sống trong lành, thoáng mát…

Thu Trang