Thời tiết đang nóng dần với hình thái chưa ổn định, xen kẽ mưa dông nên không khí trở nên nóng ẩm. Thời gian này, mọi người cần đề phòng các rối loạn tiêu hóa dễ gặp gây nên các tình trạng rất khó chịu.

Các rối loạn tiêu hóa thường gặp

Nhiễm khuẩn E.Coli gây tiêu chảy: Vi khuẩn E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: Ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng, chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh. E.Coli còn lây truyền qua đường nước: Do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn E.Coli đã có khả năng gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất.

Vi khuẩn E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa.

(Vi khuẩn E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa.)

Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi).

Nhiễm độc thức ăn do Salmonella: Nhiễm khuẩn do ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh là tình trạng hay gặp trong mùa hè. Điển hình là nhiễm độc thức ăn do Salmonella. Nguồn gây bệnh chủ yếu là từ gia súc bởi vi khuẩn Salmonella có ở trong phân và nước tiểu của lợn, gà, vịt, chim, chuột, mèo, chó...Khuẩn này còn có trong trai, sò, hến, cua, ghẹ, cá... và có thể ở cả máu động vật. Bên cạnh đó, người mang khuẩn lành hoặc người bệnh trong thời kỳ hồi phục có thể là nguồn lây cho người khác. Bệnh chủ yếu lây bằng đường tiêu hóa, khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm Salmonella như thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín... Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người cao tuổi có sức đề kháng yếu, người bị suy giảm miễn dịch.

Rối loạn tiêu hóa là chứng bệnh dễ gặp trong mùa hè.

Từ khi nhiễm Salmonella đến khi khởi phát từ 12-36 giờ. Dấu hiệu khởi phát đột ngột, đôi khi có thể từ từ với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Mức độ nhẹ, người bị nhiễm độc không sốt, đi ngoài phân lỏng vài lần, bụng hơi đau. Mức độ vừa và nặng với biểu hiện nhiễm độc: sốt 38-40 độ C, có lúc có cơn rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, số lượng bạch cầu thường tăng, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng, sôi bụng. Buồn nôn và nôn nhiều lần, chất nôn là thức ăn chưa tiêu lẫn dịch dạ dày. Đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng. Mất nước điện giải (khát nước, môi khô, mắt trũng, gầy sút, vẻ mặt hốc hác, nếu nặng hơn thì mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, kẹt, thiểu niệu, bụng trướng, chuột rút, chân tay lạnh, trẻ nhỏ thóp trũng, khóc không có nước mắt...). Với cơ thể khỏe mạnh thường tự khỏi bệnh sau 2-3 ngày, đôi khi đi ngoài phân lỏng có thể kéo dài tới 1 tuần. Có thể gặp tử vong ở các đối tượng như trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu do mất nước điện giải hoặc nhiễm khuẩn huyết.

Đầy hơi, trướng bụng: Khi ăn quá nhiều chất đạm, bột đường, dầu mỡ, thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa. Ăn đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, sử dụng chất kích thích hoặc do thói quen ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đi nằm ngay... sẽ khiến lợi khuẩn đường ruột bị quá tải, không xử lý được hết thức ăn, gây chứng đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu. Đây cũng là tình trạng thường gặp và nhận thấy đầu tiên của chứng rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh lý đường ruột: viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích... Người bị đầy bụng, khó tiêu thường có cảm giác nặng bụng, căng trướng vùng thượng vị (dưới xương ức), cơ thể bứt rứt, khó chịu, ợ hơi, ợ chua, bụng đau âm ỉ, nôn và buồn nôn, hơi thở ngắn, táo bón hoặc tiêu chảy...

Tích cực phòng bệnh

Các tác nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn đã ôi thiu, để lâu ngày trong tủ lạnh. Sử dụng các loại thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng, chế biến thực phẩm đúng cách và đảm bảo vệ sinh. Hạn chế ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, môi trường bẩn...

 

Tác giả: Diệu Thúy (Theo Báo Sức khỏe đời sống)