Bệnh viêm kết mạc (dân gian gọi là đau mắt đỏ) thường xuất hiện lúc giao mùa, đặc biệt là thời điểm cuối hè sang thu, dễ lây lan thành dịch, do đó người dân cần cảnh giác với bệnh và điều trị đúng, không để biến chứng nặng, gây nguy hiểm.
Những ngày đầu tháng 7 đến nay, tại các cơ sở y tế đều ghi nhận gia tăng các bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Mỗi ngày, tại khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 200 người đến khám các loại bệnh về mắt, thì có đến gần 1/3 bệnh nhân bị đau mắt đỏ, trong đó có gần chục bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.
Anh Đinh Văn Khiết, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) bị đau mắt đỏ tại nhà. Nghĩ bệnh đơn giản, anh tự mua thuốc về nhỏ. Nhưng sau 5 ngày điều trị không thấy khỏi, mà còn ngày càng nặng, mắt đỏ nhiều, đau rát. Không chịu được, anh Khiết đi khám và được chẩn đoán viêm giác mạc cấp. Nhập viện điều trị, anh được vệ sinh mắt, điều trị bằng thuốc uống và nhỏ thuốc hàng ngày nhiều lần, nên sau 2 ngày đã thấy đỡ rất nhiều.
Gia đình chị Đinh Thị Mai Anh, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) bị cả gia đình đau mắt đỏ do lây nhau. Chị Mai Anh cho biết, cũng không rõ nguồn lây từ đâu, nhưng sau chỉ 1 - 2 ngày, cả gia đình đều đau mắt đỏ. Với người lớn thì cố gắng chịu đựng, chủ động vệ sinh, nhưng với trẻ nhỏ thì thấy khó chịu là các cháu dụi mắt liên tục khiến mắt càng đau nhức, bệnh nặng hơn. Cả nhà phải đi khám, những người lớn nhẹ hơn được chỉ định điều trị ngoại trú, còn tôi và con nhỏ phải nhập viện điều trị.
Tại khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Ninh Bình, trong số 45 bệnh nhân đang điều trị nội trú, có đến 18 người bị bệnh đau mắt đỏ. Bệnh nhân mắc đau mắt đỏ gồm đủ mọi lứa tuổi, trong đó nhiều hơn cả là người cao tuổi, thị lực kém. Các bệnh nhân điều trị tại đây, tùy theo tình trạng bệnh, được kê đơn thuốc uống, thuốc nhỏ mắt để vệ sinh, trong đó mỗi ngày phải nhỏ thuốc từ 3-4 lần. Cùng với đó giữ cho mắt không chịu nhiều tác động, như hạn chế sử dụng điện thoại, vệ sinh mắt đúng cách, ăn uống các loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng cho mắt...
Bác sĩ Phạm Thị Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính và ít để lại di chứng. Đa số trường hợp đau mắt đỏ sẽ tự hết sau 7 đến 14 ngày, nhưng thông thường bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng đến nhiều sinh hoạt hàng ngày
"Các triệu chứng cụ thể như, ban đầu, người bị đau mắt đỏ cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm như có cát trong mắt, nhiều dử. Buổi sáng ngủ dậy thấy khó mở mắt, 2 mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ và cảm thấy đau nhức, chảy nước mắt, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, thậm chí xuất hiện hạch ở tai. Thông thường lúc này, người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm, nhưng nếu bệnh nặng, mắt bệnh nhân có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc..." - bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Hạnh, trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ do nước mắt này có chứa virus. Mầm bệnh lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn...); đồng thời qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ như nước hồ bơi).
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan cao do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguồn bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng. Vì vậy, môi trường công sở, lớp học, nơi công cộng là những nơi khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát dịch.
Việc điều trị bệnh đau mắt đỏ, do không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng... Theo đó, có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm giảm cảm giác cộm rát, khó chịu.
Để tránh các tai biến do dùng thuốc, khi bị đau mắt đỏ cấp, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt mà không được tự ý mua thuốc về tra, nhỏ, nhất là các thuốc chứa corticoid. Nếu dùng không đúng cách các loại thuốc này có thể gây nhiều tai biến như suy giảm thị lực, sẹo giác mạc, làm cho thời gian điều trị lâu hơn, thậm chí quá lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, dẫn tới suy giảm thị lực thậm chí có thể mù lòa...
Không dùng thuốc của người khác để tra, nhỏ cho mình; không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt hoặc những thuốc dân gian như đắp lá nha đam, xông lá trầu… vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm. Cùng với đó, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn. Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa.
Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt khi bị bệnh để tránh lây lan sang người khác. Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng không dùng chung thuốc; tránh dụi tay vào mắt; hạn chế đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch; không đi bơi trong giai đoạn có dịch...
Theo https://baoninhbinh.org.vn