Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống đại dịch cúm, sáng 7/9/2011, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức Hội thảo đánh giá nhu cầu và ưu tiên cho kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch Cúm của các bộ, ngành ngoài Y tế và Nông nghiệp.
Xem hình
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông; các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới về dịch tễ.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Trọng Lân cho biết, trong những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên tục xuất hiện và đe dọa đến cuộc sống của người dân như: dịch SARS, cúm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1) đã xuất hiện và nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân và của toàn xã hội. Năm 2009, Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đã khống chế và vượt qua được đại dịch cúm A(H1N1). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch cúm A(H5N1) bùng phát trở lại do dịch cúm vẫn tiếp tục được ghi nhận trên gia cầm, nguy cơ biến đổi gen của vi rút cúm A(H5N1) thành chủng dễ dàng lây lan từ người sang người là rất lớn. Nếu đại dịch mới xảy ra với số mắc và tử vong cao, kéo dài sẽ là thảm họa đối với toàn nhân loại. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động phòng chống đại dịch không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế hoặc ngành Nông nghiệp, mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, ở tất cả các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp nhà nước và tư nhân. Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi bộ, ngành, cơ quan, đơn vị… là phải nhanh chóng rà soát, đánh giá các biện pháp để phòng, chống đại dịch và đảm bảo duy trì được các hoạt động thiết yếu khi đại dịch xảy ra. Với tinh thần trên, tháng 4/2011, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành điều tra nhanh việc triển khai các hoạt động phòng chống đại dịch tại các đơn vị ngoài ngành Y tế, Nông nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch phòng chống đại dịch phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu xã hội. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho bản báo cáo đánh giá kế hoạch phòng chống đại dịch cúm ở Việt Nam tại các đơn vị ngoài ngành Y tế, Nông nghiệp; đánh giá tình hình chuẩn bị kế hoạch phòng, chống đại dịch của các bộ, ngành; xác định nhu cầu và các ưu tiên để giải quyết những khó khăn trong việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch của các bộ, ngành cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam…

 

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK