Theo kết quả điều tra năm 2010 của Tổng cục Thống kê và Điều tra dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10%, từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 7% tổng dân số vào năm 2017, tức là dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017.
Xem hình
Ảnh minh họa

Đây là một thách thức khá lớn vì dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp... Điều này đòi hỏi ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị và xây dựng những chính sách phù hợp với vấn đề già hóa dân số.

Thực trạng người cao tuổi ở Việt Nam 

Hiện cả nước có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi chiếm 9,45% tổng dân số (tăng 0,7% so với năm 2009), trong đó có 3,98 triệu người từ 60-69 tuổi (4,51% DS), 2,79 triệu người 70-79 tuổi (3,22% DS), 1,17 triệu người trên 80 tuổi (1,93% DS) và khoảng 9.380 người trên 100 tuổi. Có 72,9% người cao tuổi sống ở nông thôn và 27,1% sống ở thành thị. 79% người cao tuổi sống với con cháu có cuộc sống vật chất, tinh thần tương đối ổn định, còn 21% sống độc thân hay chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau. Những người cao tuổi này đang rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng để đảm bảo được những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, không chỉ ở thành thị mà ở cả nông thôn, mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống đang có xu hướng giảm đi. Số lượng các gia đình chỉ có 2 vợ chồng già hay gia đình người cao tuổi đơn thân đang tăng lên. Tỷ lệ cụ bà sống cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông và phụ nữ cao tuổi thường sống lâu hơn nam giới từ 4-5 năm.

Mặt khác, tỷ lệ người cao tuổi nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung; nhiều người cao tuổi không có tiền tiết kiệm khi về già, chỉ có 20% người cao tuổi có lương hưu hay trợ cấp xã hội, 70% người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc dù có thu nhập hay không.

Về mặt sức khỏe, người cao tuổi thường hay ốm đau, mắc nhiều bệnh (trung bình có từ 3-4 bệnh). 95% người cao tuổi mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm (trong đó 22,9% có sức khỏe kém) và chỉ tới bệnh viện khi ốm đau. 15% người cao tuổi tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc sử dụng các phương pháp truyền thống. 23,45% cần có sự hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, chỉ có 10% người cao tuổi được kiểm tra sức khỏe định kỳ và 50% người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Theo báo cáo của Hội người cao tuổi Việt Nam, hiện nay có rất ít bệnh viện hoặc cơ sở y tế dành riêng cho người cao tuổi, đặc biệt là thiếu trầm trọng các Trung tâm và cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Việc thực hiện Luật và chính sách cho người cao tuổi

Thực trạng người cao tuổi ở nước ta đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tinh thần của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với người cao tuổi không có lương hưu, đối với người già cả, cô đơn, không nơi nương tựa. Những người đủ 80 tuổi, thuộc hộ gia đình nghèo, không có người chăm sóc được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Những người thọ từ 90 tuổi trở lên được lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Nhà nước chúc thọ, tặng quà. người cao tuổi khi qua đời được hưởng chế độ mai táng phí... Đây là những chính sách cơ bản dành cho người cao tuổi. Từ tháng 1/2011, Luật người cao tuổi ra đời cũng đã chú trọng rất nhiều đến những quyền lợi mà người cao tuổi được hưởng, như chính sách phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách bảo trợ xã hội…

Trong thời qua, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu Bộ Y tế trình Chính phủ Dự thảo Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản 2011-2020, trong đó có chỉ tiêu: ít nhất 50% người cao tuổi được tiếp nhận các hình thức chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; triển khai thí điểm Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” ở 07 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Bến Tre và Tây Ninh…

Thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực thi Nghị định, đồng thời chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê và thực hiện chế độ trợ cấp cho các đối tượng BTXH, ưu tiên các cụ từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, được nhận trợ cấp xã hội và cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế với mức tối thiểu 65.000 đ/tháng. Như vậy, có khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH; Dự thảo “Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020” đang được xây dựng trong đó đề xuất một số giải pháp mang tính lâu dài như tăng tuổi về hưu hoặc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội.

Hội người cao tuổi Việt Nam đang phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và Hội Y tế công cộng triển khai “Tổ giám sát thực hiện Luật và các chính sách đối với người cao tuổi tại cộng đồng” nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo.

Từ tháng 5/2003 đến cuối năm 2010, Trung tâm Trợ giúp người cao tuổi và phát triển của cộng đồng (CASCD) đã ứng dụng mô hình “Chăm sóc người cao tuổi tại nhà dựa vào tình nguyện viên” tại 69 xã/phường của 17 quận/huyện ở 12 tỉnh/thành phố. Đã có 843 người cao tuổi được 998 tình nguyện viên chăm sóc.

Từ năm 2005 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã cùng với Hội người cao tuổi, CASCD, Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế, Atlantic Philanthropies thành lập gần 500 câu lạc bộ với gần 3.000 hội viên tham gia mô hình “Liên thế hệ tự giúp nhau” để giúp người cao tuổi có cơ hội được cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng; cải thiện sự liên kết giữa người cao tuổi với chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ và khu vực tư nhân; tăng cường vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi trong việc cải thiện sức khỏe.

Ttuổi thọ của người dân tăng lên (trung bình là 73 tuổi) là một tiến bộ lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng cũng là một thách thức khá lớn. Dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp... Điều này đòi hỏi ngay từ bây giờ cần phải chuẩn bị và xây dựng những chính sách, chiến lược của Nhà nước, ngành Y tế và của các tổ chức dân sự xã hội phù hợp với vấn đề già hóa dân số trong những năm tới như: thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người già rộng khắp từ thành thị tới nông thôn; người dân đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già; hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng do người dân tự tổ chức với phương châm "phòng bệnh là chính"; tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi và gia đình chăm sóc sức khỏe một cách chủ động… Với sự chuẩn bị chủ động và tích cực, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, sẽ đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu, tránh “cú sốc” với người cao tuổi cũng như toàn xã hội.