Hiện nay, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà, 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền chữa trị.
Xem hình
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương tặng hoa cho 3 gia đình tại Hà Nội có người thân hiến tặ

Để giảm bớt gánh nặng mù lòa và nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, đồng thời quyết tâm thực hiện mục tiêu Thị giác Toàn cầu 2020: Quyền được nhìn thấy, chiều ngày 13/10/2011, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa, Bệnh viện Mắt Trung ương, Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới năm 2011 và khám mắt miễn phí cho 100 người nghèo (trong đó có 50 người khuyết tật) tại Bệnh viện Mắt Trung ương,.

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực kém, 80% số đó trên 50 tuổi. Cứ 5 giây trôi qua, thế giới lại có thêm 1 người bị mù và cứ mỗi phút, thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển, khó tiếp cận dịch vụ y tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mù lòa. Ở nước ta, bệnh đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu (chiếm tỷ lệ 66,1%), tiếp theo là các bệnhbán phần sau nhãn cầu (16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), teo nhãn cầu (3,2%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột (1,7%). Hiện nay, tình trạng giảm thị lực do các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến ở thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 10-15% ở học sinh nông thôn, 30-35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên chỉnh kính), cả nước có gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó 2/3 bị cận thị.

Khó khăn lớn hiện nay là nhu cầu khám chữa bệnh về mắt của nhân dân ngày càng tăng cao, nhưng hệ thống chuyên khoa mắt ở tuyến huyện còn rất yếu, nhiều nơi chưa có cán bộ y tế chăm sóc mắt và hầu như chưa có trang thiết bị. Hiện cả nước có khoảng 1.188 bác sĩ nhãn khoa (tỷ lệ 13,8 người/1 triệu dân) và 1.516 y sĩ, y tá nhãn khoa (tỷ lệ 17,6 người/ 1 triệu dân) là thấp so với nhu cầu. Số cán bộ này lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành phố và đồng bằng, còn miền núi và Tây Nguyên rất thiếu. Còn tới 8 tỉnh chưa thành lập Trung tâm Mắt hoặc Trung tâm chăm sóc mắt cho người dân ở cộng đồng. Hệ thống chăm sóc mắt ban đầu ở tuyến xã lại càng yếu, do chỉ mới đào tạo được mỗi xã 1 đến 2 cán bộ y tế về chăm sóc mắt ban đầu lồng ghép vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở 317 huyện (chiếm 47,45%).

Việt Nam có khoảng 300.000 bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc cần được điều trị phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Trung bình, mỗi năm lại có thêm 15.000 người bị mù do bệnh lý giác mạc. Nhưng nguồn giác mạc hiến tặng khan hiếm, tính từ tháng 4/2007 (thời điểm Việt Nam có người đầu tiên hiến tặng giác mạc) cho đến nay, Ngân hàng Mắt của Bệnh viện Mắt Trung ương mới thu nhận được 241 giác mạc từ 122 người hiến tặng ở 12 tỉnh, thành trong cả nước; 545 giác mạc viện trợ từ các tổ chức nhân đạo quốc tế, 196 giác mạc từ nguồn chấn thương phải loại bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc còn tốt…

 Để hướng tới thực hiện mục tiêu Thị giác Toàn cầu 2020, Việt Nam cần phấn đấu thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2015, mổ đục thuỷ tinh thể đạt 250.000 ca mỗi năm, giảm tỷ lệ mù loà trong dân số xuống dưới 0,3% vào năm 2020.

Phát biểu tại Lễ mít tinh,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, lãnh đạo Bệnh Viện Mắt Trung ương và Hội Nhãn khoa Việt Nam đã đánh giá cao sự góp sức, chung tay của các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước, giúp chuyên ngành Mắt Việt Nam hoàn thành được mục tiêu “Quyền được nhìn thấy” đến năm 2020.

Nhân dịp này, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức tôn vinh 3 gia đình ở Hà Nội, đại diện cho nhiều gia đình trên toàn quốc có người thân hiến tặng giác mạc trong 2 năm qua.

Được biết, đây là năm thứ 9 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới.