Ngày 28/4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức Hội thảo Vận động sự ủng hộ cho Chương trình Bệnh viện an toàn.
Xem hình
Quang cảnh Hội thảo

Hàng năm, hàng trăm cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện bị ngập lụt, sạt đổ, tốc mái, hư hại trang thiết bị, máy móc, thuốc men… do thiên tai. Điều này gây cản trở công tác khám chữa bệnh cho người dân, cũng như duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu cho cộng đồng trong và sau thảm họa. Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực thực hiện Chương trình Bệnh viện an toàn với 3 nội dung chính: xây dựng bệnh viện an toàn, có kết cấu vững chắc, không bị hư hỏng hay phá hủy trong thảm họa để đảm bảo an toàn tính mạng, không gây thương tích cho người bệnh và nhân viên y tế; bệnh viện sẵn sàng ứng phó và hoạt động tốt để có thể duy trì các dịch vụ trong và sau thảm họa; bệnh viện được chuẩn bị tốt, có kế hoạch dự phòng và nhân viên y tế được đào tạo về giảm thiểu rủi ro, quản lý thảm họa để duy trì hoạt động của bệnh viện trong và sau thảm họa.

Kết quả đánh giá thí điểm tính an toàn của 15 bệnh viện tại 3 tỉnh (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) năm 2010 cho thấy, công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp ở các bệnh viện còn nhiều hạn chế, cả về tiêu chí cấu trúc, phi cấu trúc và chức năng. Cụ thể là, 5/15 bệnh viện được xây dựng trên vùng trũng, dễ bị ngập lụt, 8/15 bệnh viện có ít nhất 1 tòa nhà có hình dạng không đối xứng, 5/15 bệnh viện chưa có đường cho xe lăn; 13/15 bệnh viện đều đặt thiết bị y tế nặng ở tầng trệt, 15/15 bệnh viện đều không cố định dụng cụ đựng hóa chất đúng cách; 5/15 bệnh viện không có hệ thống biển chỉ dẫn trong tình huống khẩn cấp, 12/15 bệnh viện không có sơ đồ các tòa nhà, 10/15 bệnh viện không có thiết bị báo cháy, 13/15 bệnh viện không có kế hoạch cho trung tâm điều hành khẩn cấp, 14/15 bệnh viện không thực hiện diễn tập phòng ứng phó với tình huống khẩn cấp…

TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã kêu gọi sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân để bệnh viện được an toàn trong thảm họa. Ông nhấn mạnh, sự tham gia này thể hiện ở tất cả các bước để hình thành một bệnh viện, từ khâu quy hoạch, lựa chọn địa điểm, thiết kế, chọn vật liệu, thi công xây dựng đến quá trình vận hành bệnh viện, an toàn phòng chống cháy nổ, cũng như xây dựng kế hoạch phòng chống thảm họa, các phương án đối phó với thảm họa theo các kế hoạch cụ thể. Đây là những việc có thể làm ngay, trước khi thảm họa xảy ra.

Để Chương trình Bệnh viện an toàn triển khai thực hiện đạt được mục tiêu và hiệu quả cao, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn chỉnh bộ công cụ đánh giá bệnh viện an toàn, hướng dẫn sử dụng và phổ biến bộ công cụ cho các bệnh viện; đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế bệnh viện về kế hoạch dự phòng, ứng phó tình huống khẩn cấp; trên cơ sở bộ công cụ, xây dựng bộ tiêu chuẩn xây dựng bệnh viện an toàn trong tình huống khẩn cấp; xây dựng tài liệu tập huấn và đào tạo về ứng phó tình huống khẩn cấp.