Thiếu i-ốt không chỉ gây nên bướu cổ mà còn gây ra một loạt các tổn thương của hệ thống thần kinh trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển tổn thương não bộ của trẻ, cho nên người ta thường gọi chung là các rối loạn do thiếu i-ốt (CRLDTI).
Xem hình
Khám bướu cổ tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư.

Mặc dù căn nguyên và bệnh sinh do thiếu i-ốt đã được biết từ những năm đầu của thế kỷ 20, nhưng cho đến nay, thiếu i-ốt vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn cho khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới, nhất là trẻ em ở các nước đang phát triển. 

I-ốt là một trong những nguyên tố vô cơ vi lượng cần thiết cho con người thông qua vai trò tham gia tạo  hoóc-môn tại tuyến giáp. Vai trò quan trọng này bắt đầu từ thời kỳ bào thai cho đến cuối đời. Con người không tự tổng hợp được i-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm và một phần qua không khí và việc bổ sung i-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn. Do lượng i-ốt ngày càng nghèo đi từ các nguồn cung cấp mà nhu cầu lại cần thường xuyên và liên tục, cho nên vấn đề sử dụng muối và các chế phẩm có i-ốt (đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) là nguồn bổ sung i-ốt cần thiết. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, nhu cầu i-ốt đối với con người  đã được xác định: đối với trẻ  < 10 tuổi: 40 - 120 mcg/ngày; đối với trẻ >10 tuổi và người trưởng thành: 150 mcg/ngày; đối với  phụ nữ  có thai và cho con bú: 180-200 mcg/ngày.

Năm 1995, Dự án mục tiêu quốc gia phòng, chống bướu cổ được Thủ tướng Chính phủ thông qua, cùng sự giúp đỡ của các Tổ chức quốc tế, hằng năm dành 60 đến 80 tỷ đồng cho lĩnh vực phòng, chống bướu cổ và đã chọn ra phương pháp bổ sung i-ốt vào gia vị mặn như muối ăn và các chế phẩm khác. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho đây là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đơn giản và chi phí thấp nhất. Nhờ đó, trong mười năm (1995 - 2005) Việt Nam là một trong những nước đã công bố thành tựu kiểm soát CRLDTI trong phạm vi toàn quốc thông qua ba chỉ tiêu: Ðộ bao phủ muối i-ốt và chế phẩm i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt hơn 90%; mức i-ốt niệu trung vị trên 10 mcg/dl; tỷ lệ bướu cổ học sinh 8 đến 10 tuổi dưới 5%. 

Tuy nhiên, kể từ sau năm 2005, khi Chương trình quốc gia phòng chống CRLDTI tuyên bố thanh toán CRLDTI trong phạm vi toàn quốc, dự án này trở thành hoạt động thường xuyên của ngành y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống CRLDTI giải thể. Sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, vật tư, trang thiết bị... rất hạn chế. Trách nhiệm quản lý chương trình hoạt động phòng, chống CRLDTI thuộc Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) theo dõi, Bệnh viện Nội tiết T.Ư là đơn vị tiếp tục giám sát, triển khai, theo dõi các hoạt động phòng, chống CRLDTI. Trong giai đoạn vừa qua, tại tuyến trung ương, số cán bộ hoạt động không được duy trì, kinh phí hạn hẹp. Còn tại địa phương, do nhiều đặc thù và nhận thức vấn đề thiếu i-ốt khác nhau nên hoạt động phòng, chống bướu cổ  ở các địa phương cũng khác nhau, việc duy trì hoạt động phòng, chống CRLDTI không được cấp như trước. Ðiều đáng lo ngại trong giai đoạn duy trì bền vững các thành quả đã đạt được, chúng ta chưa thật sự quan tâm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống CRLDTI, chủ quan coi như đã thanh toán xong và thờ ơ với mục tiêu chúng ta đã đạt được, nên dẫn đến nguy cơ tình trạng thiếu hụt i-ốt tái diễn tại Việt Nam.

Kết quả điều tra, đánh giá tỷ lệ sử dụng muối i-ốt và thu nhận i-ốt do Bệnh viện Nội tiết T.Ư triển khai tại các khu vực: miền Ðông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh; miền Tây Nam Bộ; miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng; duyên hải miền trung, Tây Nguyên và khu vực Hà Nội cho thấy rất đáng lo ngại. Ðộ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 69,5% giảm so với năm 2005 (92,8%), trừ khu vực miền núi phía bắc và miền Ðông Nam Bộ. Ðáng chú ý, mức trung vị i-ốt niệu toàn quốc giảm so với năm 2005 và ở mức thiếu hụt i-ốt nhẹ.

Trước thực trạng tình hình thiếu hụt i-ốt quay trở lại Việt Nam, nhằm ngăn chặn kịp thời và hiệu quả các tác hại do thiếu i-ốt, phấn đấu đạt và tiếp tục duy trì bền vững mục tiêu thanh toán CRLDTI, cần duy trì và tăng cường hoạt động phòng, chống CRLDTI ở cấp T.Ư (Ban điều hành dự án), để lãnh đạo và chỉ đạo các hoạt động phòng, chống CRLDTI của các địa phương. Duy trì và tăng cường hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống CRLDTI từ T.Ư đến địa phương nhằm duy trì hiệu quả các hoạt động thường quy, định kỳ của dự án. Bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động thường quy phòng, chống CRLDTI ở các cấp. Tăng cường kiểm tra và nâng cao chất lượng xét nghiệm của các la-bô xét nghiệm muối i-ốt và các chế phẩm có i-ốt. Ðẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống CRLDTI. Triển khai sản xuất nước mắm bổ sung i-ốt (Dự án phòng, chống bướu cổ đã hoàn thành nghiên cứu) và tiếp tục nghiên cứu bổ sung vào các gia vị khác.

Khi đạt được mục tiêu thanh toán CRLDTI thì chúng ta mới đi được một chặng đường, việc duy trì các kết quả đôi khi còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, để duy trì bền vững mục tiêu đòi hỏi phải đầu tư kinh phí, nhân lực, vật lực nhiều hơn nữa. Phương hướng phát triển phòng, chống CRLDTI giai đoạn này là duy trì bền vững thành quả đạt được ở một số tỉnh và tiếp tục cải thiện tình trạng thiếu i-ốt ở một số vùng hiện có nguy cơ tái diễn thiếu i-ốt. Chính vì vậy, cần sớm thành lập lại Ban Chỉ đạo phòng, chống CRLDTI thuộc Bộ Y tế làm cơ quan điều phối, Bệnh viện Nội tiết là cơ quan tham mưu. Các đơn vị tuyến tỉnh và các bộ, ngành cùng tham gia hoạt động. Hướng tới cộng đồng và vận động mọi tầng lớp tham gia, từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Cần tiếp tục lấy Nghị định 163/2005/NÐ-CP là khung pháp lý để thực hiện triển khai. Ðồng thời đưa chỉ tiêu sử dụng muối i-ốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh thành chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc như các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội tại các cấp. Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND các tỉnh trong việc phòng, chống CRLDTI, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là đối với bà mẹ và trẻ em.

Ðể duy trì các kết quả đạt được cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục về mua, sử dụng và bảo quản muối i-ốt. Tăng cường giám sát chất lượng muối i-ốt ở ba khâu (nội kiểm, ngoại kiểm, tại hộ gia đình). Bảo đảm cung ứng đủ KIO3 cho các cơ sở sản xuất muối i-ốt. Tiến hành điều tra kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về phòng, chống CRLDTI (KAP) về mua sử dụng và bảo quản muối i-ốt; điều tra dịch tễ học về thực trạng các rối loạn thiếu i-ốt từng khu vực. Việc đánh giá thực trạng tình hình mua và sử dụng muối i-ốt là một công việc cần thiết để xem xét tiến trình của dự án và góp phần hoạch định kế hoạch cho những năm tiếp theo.