Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 được thành lập ngày 2/3/2000 theo Quyết định 650/2000/QĐ-BYT. Ban đầu, Công ty trực thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhưng đến năm 2007 tách ra trở thành doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Xem hình
Thực hiện nghiên cứu vắc xin tại Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1

Nhiệm vụ chính của Công ty là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm vắc xin và sinh phẩm y tế để dự phòng các bệnh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chung trong cộng đồng. Công ty hiện có 173 cán bộ, công nhân viên trong đó 33 cán bộ có trình độ trên đại học, 84 cán bộ có trình độ đại học, 13 trung cấp, 43 công nhân. Các cán bộ nghiên cứu của Công ty đều được đào tạo tại nhiều cơ sở trong và ngoài nước về công nghệ y sinh, vi rút học, vi sinh vật học, hóa học và dược học. Mức đầu tư hàng năm cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của Công ty chiếm từ 5- 10% tổng doanh thu.

Theo GS. TSKH Nguyễn Thu Vân- Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1,  hiện nay, Công ty đang sản xuất và kinh doanh 4 sản phẩm vắc xin chính, đó là: vắc xin viêm gan B tái tổ hợp, vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin tả uống và vắc xin viêm gan A. Toàn bộ các sản phẩm do Công ty sản xuất phục vụ cho công tác phòng bệnh cho trẻ em và đều là kết quả của các Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước.

Vắc xin viêm gan B thế hệ đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam là kết quả của Đề tài nghiên cứu KY-01-05 thuộc Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước KY-01 giai đoạn 1991- 1995: “Công nghệ sản xuất và hiệu quả của Bộ sinh phẩm chẩn đoán HBsAg Micro- Elisa và vắc xin viêm gan B điều chế từ huyết tương người” và sau đó là dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước KHCN11-DA1 “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin viêm gan B từ huyết tương người ở quy mô 500.000 liều trẻ em/năm”. Với mục tiêu đổi mới hướng đến các công nghệ sản xuất tiên tiến, Công ty đã tiến hành Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước KHCN-11-10 với tiêu đề: “Nghiên cứu tiếp thu chuyển nhượng kỹ thuật để xây dựng quy trình sản xuất vắc xin viêm gan A và vắc xin viêm gan B tái tổ hợp ADN” và Dự án cấp Nhà nước KC-10-06 “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin viêm gan B tái tổ hợp” để nhanh chóng tiếp cận với công nghệ sản xuất vắc xin viêm gan B tái tổ hợp. Từ khi thành lập đến nay, hàng năm Công ty cung cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia từ 1- 2 triệu liều vắc xin viêm gan B để tiêm phòng cho trẻ em và một số lượng tương đương cho thị trường phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân.

Vắc xin viêm gan A của Công ty cũng được nghiên cứu phát triển từ Đề tài cấp Nhà nước KHCN-11-10 và triển khai sản xuất theo Dự án cấp Nhà nước KC-10-12 “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viêm gan A bất hoạt ở quy mô 100.000 liều/năm”. Vắc xin này hiện cũng được thị trường trong nước chấp nhận và có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhằm làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm gan A tại Việt Nam, một bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường tiêu hóa và đặc biệt có tốc độ lây lan nhanh khi vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động.      

Cũng giống như vắc xin viêm gan B, gan A, vắc xin viêm não Nhật Bản cũng là sản phẩm của các Đề tài nghiên cứu và Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước. Đó là đề tài KY-01-04 thuộc Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước KY-01 giai đoạn 1991- 1995: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản và bộ sinh phẩm chẩn đoán vi rút viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết Dengue” và Dự án cấp Nhà nước KHCN-11-DA2: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản”. Hiện nay, hàng năm Công ty cung cấp từ 3- 4 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng như cho cộng đồng. Vắc xin viêm não Nhật Bản đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc ở trẻ em từ trên 20% xuống còn 2- 3% sau khi triển khai đưa vắc xin vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và các đợt bùng phát dịch viêm não trong các cộng đồng dân cư có nguy cơ cao, giảm mối lo ngại của người dân về bệnh viêm não Nhật Bản và các di chứng nặng nề do viêm não Nhật Bản gây ra. Vắc xin cũng đã được xuất khẩu sang Ấn Độ và tiến tới sẽ được xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực.

Sản phẩm vắc xin tả uống của Công ty là kết quả của Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước KY-01-03 thuộc Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước KY-01 giai đoạn 1991- 1995: “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin tả uống” và Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước KHCN-11-DA: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin tả uống”. Vắc xin này đã được triển khai tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cao và sử dụng để phòng bệnh cho nhân dân trong các đợt bùng phát dịch. Với công suất sản xuất hiện nay, Công ty luôn đảm bảo nhu cầu vắc xin trong phòng bệnh tả tại Việt Nam và tiến tới có thể xuất khẩu  ra nhiều nước trên  thế giới. Công ty cũng đã phối hợp với Viện Vắc xin Quốc tế (IVI) có trụ sở tại Seoul- Hàn Quốc nghiên cứu pha chế vắc xin tả uống theo công thức mới dựa trên thành phần kháng nguyên đặc hiệu của phẩy khuẩn tả, đảm bảo vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao hơn và các chỉ tiêu kỹ thuật đạt yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới.

Việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất đã giúp Công ty tạo ra được các loại vắc xin phòng bệnh hiệu quả, giúp cộng đồng giảm bớt nỗi lo nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Giá thành sản phẩm của Công ty giảm hơn so với sản phẩm ngoại nhập đã giúp tiết kiệm kinh phí cho nhà nước và nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân phòng bệnh ngày càng hữu hiệu. 

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK