Ngày 20/9/2011, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế (nhiệm kỳ XII) và đề xuất một số điểm sửa đổi, bổ sung để xây dựng Nghị định nhiệm kỳ XIII, trong đó có lĩnh vực báo chí- truyền thông.
Xem hình
BS. Đặng Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Vấn đề đặt ra là, thực trạng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí- truyền thông và nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác báo chí- truyền thông trong ngành y tế thời gian qua ra sao? giải pháp nào để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của loại hình công tác này trong thời gian tới?

1- Những bất cập:

Trong Nghị định 188 và các Nghị định trước đây chưa quy định rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác báo chí- truyền thông của Bộ Y tế, do đó không có đơn vị chức năng độc lập ở cơ quan Bộ làm nhiệm vụ tham mưu giúp Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng quản lý và chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này. Vì vậy, mấy chục năm qua, Bộ Y tế không ban hành được quy hoạch mạng lưới báo chí- truyền thông, không xây dựng được chiến lược phát triển sự nghiệp báo chí- truyền thông và cũng không đề xuất hoặc ban hành được chính sách đặc thù về báo chí- truyền thông trong ngành. Từ khi thành lập Vụ Pháp chế, bộ phận giúp việc về lĩnh vực này được đặt trong Vụ Pháp chế- một Vụ có quá ít cán bộ mà lại đảm nhiệm 3 mảng công tác lớn là pháp chế, thi đua- khen thưởng và báo chí- truyền thông. Có thể ví Vụ Pháp chế như tấm ảnh một người béo phì mặc một cái áo quá chật và người đó lại được đội một cái mũ (tên gọi của vụ) không phù hợp với lĩnh vực báo chí- truyền thông. Vì vậy, các đơn vị báo chí- truyền thông trong ngành như rắn không có đầu, hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp, thiếu sự thống nhất nên chưa hiệu quả.

2- Một số vấn đề cần bàn luận:

Qua nghiên cứu, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương đồng ý với đề xuất của Vụ Tổ chức cán bộ, tách công tác báo chí- truyền thông ra khỏi Vụ Pháp chế. Đề nghị thành lập một đơn vị cấp vụ chứ không phải là một đơn vị cấp phòng đặt trong Cục Công nghệ thông tin hoặc Văn phòng Bộ Y tế (như trong dự thảo báo cáo) vì các lý do sau đây:

Một là, ở một số nước thực hiện cơ chế tam quyền phân lập thì báo chí- truyền thông là cơ quan quyền lực thứ 4 (sau các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp). Nước ta thực hiện cơ chế tam quyền phối hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì báo chí- truyền thông đứng ở vị trí thứ 5. Ở Bộ Y tế, đồng chí Bộ trưởng là UVTW Đảng, Bí thư BCS, Bí thư Đảng bộ- đại diện cho Đảng và là người đứng đầu tổ chức Đảng của Bộ Y tế; Bộ trưởng là Đại biểu Quốc hội- đạị diện cho cơ quan lập pháp quốc gia; Bộ trưởng là thành viên Chính phủ- đại diện cho cơ quan hành pháp quốc gia và là người đứng đầu cơ quan hành pháp của Bộ Y tế. Vì thế, Bộ trưởng phải trực tiếp quản lý và chỉ đạo công tác báo chí- truyền thông, coi báo chí- truyền thông là công cụ sắc bén để thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Bộ Y tế mới đảm bảo được 3 tiêu chí là chuẩn mực, nhạy bén và toàn diện. Muốn thực hiện tốt điều này, cần phải có đơn vị cấp vụ để Bộ trưởng trực tiếp phụ trách và chỉ đạo. Nếu Bộ trưởng ủy quyền cho một Thứ trưởng phụ trách thì sẽ khó đạt tiêu chí toàn diện, dễ gặp vướng mắc khi triển khai công tác báo chí- truyền thông vào các lĩnh vực do các Thứ trưởng khác phụ trách. Còn nếu Bộ trưởng lại chỉ đạo gián tiếp thông qua Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin hay Chánh Văn phòng Bộ Y tế thì càng khó đạt cả 3 tiêu chí do rất dễ “tam sao, thất bản”.

Hai là, hiện nay Bộ Y tế có tới 7 cơ quan báo chí- truyền thông tương đương cấp vụ, trong đó có 5 cơ quan trực thuộc Bộ Y tế là: Báo Sức khỏe- Đời sống, Tạp chí Y học thực hành, Tạp chí Dược, Nhà Xuất bản Y học và Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương, cùng 2 cơ quan trực thuộc Tổng cục Dân số-KHHGĐ là Vụ Giáo dục truyền thông và Báo Gia đình- Xã hội. Để quản lý và chỉ đạo 7 đơn vị cấp vụ này đòi hỏi phải có đơn vị tương đương hoặc cao hơn là Vụ hoặc Cục, chứ không thể đặt 7 cơ quan cấp vụ này dưới sự quản lý và chỉ đạo của một đơn vị cấp phòng được.

Ba là, Tổng cục Dân số-KHHGĐ là một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có Vụ Giáo dục truyền thông. Trong khi Bộ Y tế là cơ quan cấp trên của Tổng cục, nhiều lĩnh vực hoạt động hơn, khối lượng công việc nhiều hơn, có nhiều vấn đề quan trọng, nhạy cảm và nóng bỏng hơn mà chỉ tổ chức một đơn vị cấp phòng là không phù hợp.

Bốn là, có lẽ y tế là ngành có nhiều ấn phẩm báo chí- truyền thông nhất, với 2 tờ báo, 2 tạp chí trực thuộc Bộ, hàng chục tạp chí chuyên ngành trực thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các hội nghề nghiệp, hàng trăm bản tin và hàng trăm trang tin điện tử. Vì vậy, cần phải có một cơ quan quản lý đủ tầm cỡ mới quy tụ và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan quản lý các ấn phẩm nêu trên. Cơ quan đó không thể là một cơ quan cấp phòng, mà phải là cơ quan cấp vụ.

Năm là, y tế là ngành duy nhất có hệ thống truyền thông GDSK từ trung ương tới cơ sở. Ở Trung ương có Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương và các trung tâm hoặc phòng truyền thông GDSK thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế (ví dụ như Trung tâm Truyền thông Dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng); Ở tuyến tỉnh có 63 Trung tâm Truyền thông GDSK thuộc các Sở Y tế; hơn 600 phòng hoặc tổ truyền thông GDSK thuộc các đơn vị y tế tuyến tỉnh; hơn 400 phòng truyền thông GDSK thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện (63% số huyện đã thành lập phòng Truyền thông GDSK), hơn 600 tổ truyền thông GDSK thuộc các bệnh viện cấp huyện; hơn 10.000 truyền thông viên thuộc Phòng Y tế cấp huyện, hơn 10.000 truyền thông viên thuộc trạm y tế cấp xã và hơn 100.000 cộng tác viên truyền thông là nhân viên y tế thôn bản. Ở các địa phương, được sự ủy quyền của Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông GDSK các tỉnh, thành phố làm việc trực tiếp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin- Truyền thông, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch, Báo và Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh. Các cơ quan trên đều là cấp Sở trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tương đương với cấp vụ trực thuộc Bộ. Vì vậy, cơ quan quản lý và chỉ đạo ở Bộ cũng phải là đơn vị cấp vụ mới tương xứng.

3- Đề xuất:

Từ các vấn đề vừa phân tích trên, Trung tâm có 5 đề xuất:

1- Bổ sung chức năng quản lý và nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác báo chí- truyền thông vào dự thảo Nghị định mới.

2- Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế có đơn vị cấp Vụ hoặc Cục để tham mưu giúp Ban cán sự và Lãnh đạo Bộ quản lý và chỉ đạo công tác báo chí- truyền thông trong ngành. Nếu đủ điều kiện thì thành lập Cục (là thuận lợi nhất), trước mắt khi chưa đủ điều kiện thì thành lập Vụ.

3- Về tên gọi, có thể lựa chọn một trong 3 tên sau:

- Cục hoặc Vụ Thông tin- Truyền thông.

- Cục hoặc Vụ Báo chí- Truyền thông.

- Cục hoặc Vụ Truyền thông GDSK.

4- Trong cơ cấu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương.

5- Trong cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế cấp huyện có Phòng Truyền thông GDSK là cầu nối và cánh tay vươn dài của Trung tâm Truyền thông GDSK cấp tỉnh, để quản lý và chỉ đạo các hoạt động truyền thông trên địa bàn huyện./.

BS. Đặng Quốc Việt, Giám đốc
Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương