Ngày 13/9/2011, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức “Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và phương hướng kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế năm 2012” do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Chủ trì.
Xem hình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Chu văn Đạt, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh,Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Phạm Mạnh Hùng; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ Chức Trung ương, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam...; đại diện UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe của 29 tỉnh/thành phố từ Quảng Bình trở ra phía Bắc.

Hội nghị đã được nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục về 8 chuyên đề: Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011-2016; Sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 và kế hoạch năm 2012; Chống quá tải bệnh viện; Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; Củng cố y tế cơ sở; Công tác dược, quản lý và bình ổn giá thuốc; Công tác y dược học cổ truyền; Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Y tế giai đoạn 2011-2016 gồm 7 vấn đề quan trọng, đòi hỏi hệ thống giải pháp của Ngành phải có lộ trình và đồng bộ:

Thứ nhất, giảm tải cho các bệnh viện ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh/thành phố và các bệnh viện chuyên khoa (nhi, tim mạch, ung thư...) bằng cách tăng số lượng giường bệnh; hạn chế chuyển tuyến, vượt tuyến; phân tuyến kỹ thuật rõ ràng; giá cả dịch vụ y tế hợp lý, hiệu quả và tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở.

Thứ hai, đổi mới cơ chế tài chính y tế công lập dựa trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế đã được tính đúng, tính đủ.

Thứ ba, thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, cho dù hiện tại, vấn đề này vẫn còn rất nhiều khó khăn do thiếu cơ chế tổ chức bộ máy hoạt động hợp lý giữa Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm Xã hội.

Thứ tư, tăng cường củng cố mạng lưới y tế cơ sở (huyện, xã) về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để giảm quá tải cho tuyến trên, góp phần đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; y tế dự phòng; khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế; y học cổ truyền; dân số; ...

Thứ năm, tăng cường nhân lực y tế để từng bước đảm bảo nhu cầu cơ bản về nhân lực các tuyến và chính sách cho cán bộ y tế, bảo vệ quyền lợi, rủi ro nghề nghiệp. Thứ sáu,thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu với mô hình Trung tâm kỹ thuật cao cho bệnh nhân có thu nhập cao. Thứ bảy, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe để tăng cường ý thức tự bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Đặc biệt, Hội nghị đã được chia làm hai nhóm để thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp Ngành Y tế  có cơ sở thực tiễn xây dựng chiến lược thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011 và phương hướng hoạt động đến năm 2015. Nhiều đại biểu đại diện cho các nhà khoa học làm công tác quản lý và điều trị đã có những ý kiến hay (thực tiễn, khả thi) về các lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hiện nay đang rất quan tâm như y tế cơ sở; chăm sóc sức khỏe ban đầu; dân số kế hoạch hóa gia đình; nhân lực y tế; giảm tải bệnh viện; bảo hiểm y tế…

Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, kinh nghiệm và trăn trở với nghề trong quá trình thảo luận của các đại biểu. Những đề xuất xác đáng tại Hội nghị là sản phẩm trí tuệ tập thể, sẽ góp phần làm nên bước đột phá mới trong tương lai đối với việc giải quyết các vấn đề cấp bách của Ngành Y tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ đạo, phải tiến hành các nghiên cứu điều tra, đánh giá từng vấn đề cụ thể trên phạm vi cả nước (Bắc-Trung-Nam) để có bằng chứng khoa học khách quan, kết hợp với tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan và kinh nghiệm quốc tế trước khi quyết định lựa chọn giải pháp nào. Có như vậy, Ngành Y tế mới có thể xây dựng được những quyết sách, chính sách mang tầm chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo công bằng và hiệu quả, vừa mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân, vừa tiết kiệm, chống lãng phí cho Chính phủ.

Tác giả: Trung tâm TTGDSK