Hàng năm trên thế giới, tai nạn thương tích (TNTT) làm ít nhất 5,5 triệu người chết và gần 100 triệu người tàn tật vĩnh viễn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2002, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 16.000 người chết do các loại thương tích. TNTT có thể xảy ra ở mọi nơi, ở mọi lứa tuổi với nhiều mức độ khác nhau, nên hiện nó đã trở thành mối quan tâm của toàn thế giới.
Xem hình
Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do TNTT lên tới 11%, khiến cho TNTT vượt lên đứng hàng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%). Theo số liệu năm 2007, mỗi ngày tại Việt Nam có hơn 3.000 người bị TNTT, hơn 100 người tử vong và TNTT tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào tai nạn giao thông, tai nạn lao động và tai nạn thương tích trẻ em.

Trước tình hình trên, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ phê đã duyệt Chính sách Quốc gia Phòng, chống TNTT giai đoạn 2002-2010với mục tiêu: Từng bước hạn chế TNTT trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần đảm bảo sự bền vững của quốc gia trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội… Tiếp đó, ngày 17/01/2006, Bộ Y tế đã có Quyết định số 170/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn Xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Theo điều tra thống kê, TNTT trong giai đoạn 2001-2006 đã có chiều hướng giảm đáng kể, nhưng số ca tử vong do TNTT vẫn còn cao.

Năm 2008, Bộ Y tế đã phê duyệt Chương trình hành động Phòng chống TNTT tại cộng đồng đến năm 2010, với mục tiêu chung là “Nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn, thương tích nhằm giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích trong cộng đồng”, với các nhóm nội dung cụ thể gồm: tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về phòng, chống TNTT trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng hệ thống giám sát TNTT; xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu của các tuyến; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống TNTT các tuyến; triển khai các mô hình an toàn tại cộng đồng.

Cho đến nay, đã có 53 tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng chống TNTT và xây dựng cộng đồng an toàn. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện, xã, phường và thành viên chỉ đạo là những người đại diện cho các cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ liên quan đến phòng chống TNTT thuộc nhiều ban ngành (Lao động thương bình & Xã hội; Giao thông vận tải, Công an, Giáo dục, Văn hóa - Thể thao- Du lịch), có sự tham gia của các tổ chức xã hội (Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân…).

Với vai trò chủ nhiệm Chương trình phòng chống TNTT quốc gia, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động và phối kết hợp chặt chẽ với các ban ngành khác triển khai công tác phòng chống TNTT như phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Tháng An toàn Giao thông; phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm tổ chức Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ; điều tra, nghiên cứu nguyên nhân, các loại hình tai nạn lao động và các biện pháp phòng chống; xây dựng mô hình an toàn nơi làm việc. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình sức khỏe học đường. Bộ Y tế cùng Bộ Công an đã tổ chức phổ biển kiến thức và thực hành thông tin, vận chuyển, sơ cấp cứu; thu thập, báo cáo, trao đổi số liệu tai nạn giao thông và bạo lực. Việc xã hội hóa công tác phòng, chống TNTT cũng được Bộ Y tế phối hợp cùng nhiều Ban, Ngành triển khai, tạo ra sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và của toàn dân đối với việc phòng, chống TNTT.

Theo Báo cáo đánh giá thực hiện Chương trình Quốc gia Phòng chống TNTT giai đoạn 2002-2010, tỷ lệ tai nạn thương tích tại một số tỉnh, thành phố đã giảm đáng kể, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có mạng lưới sơ cấp cứu nói chung và TNTT nói riêng. Chất lượng sơ cấp cứu TNTT được tăng cường qua đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật sơ cấp cứu cho cán bộ các cấp. Năng lực của các cán bộ làm công tác phòng chống TNTT cũng được nâng cao. Đến cuối năm 2010, cả nước đã có 10 xã phường được công nhận đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn quốc tế và 42 xã phường được công nhận đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn Việt Nam tại 13 tỉnh, trong đó 6 tỉnh (Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Đồng Tháp, Cần Thơ) đã tập trung vào việc xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, so với mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia thì chưa đạt 50% tỉnh, thành phố triển khai mô hình cộng đồng an toàn, vì trong quá trình triển khai Ngành Y tế cũng gặp một số khó khăn nhất định về công tác chỉ đạo, kinh phí, giám sát và về đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống TNTT.

Trong giai đoạn 2011-2020, Ngành Y tế tiếp tục phấn đấu đưa Chương trình Quốc gia Phòng chống TNTT trở thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia và lập các kế hoạch hành động cụ thể cho tất cả các ban ngành và kế hoạch cụ thể đối với từng loại hình TNTT, để đạt mục tiêu giảm đáng kể số lượng tử vong do TNTT gây ra.