Theo báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 57.055 trường hợp mắc tay - chân - miệng (TCM) tại 61 địa phương trong đó đã có 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mắc và tử vong do TCM chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 69,8% số mắc và 89,2% số tử vong của cả nước, tập trung ở các địa phương như: TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Long An…
Xem hình
Ảnh minh họa: Khám phát hiện trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng

Tại các tỉnh miền Bắc mặc dù chưa có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ nhưng cũng đang có chiều hướng gia tăng về số ca mắc. Cho đến thời điểm này, nhiều người dân vẫn cho rằng, virut chết người EV71 đang ở phía Nam chứ chưa đe dọa đến miền Bắc. Đùng một cái, có thông báo của BV Nhi TW về một trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh TCM ở một bé gái 3 tuổi ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngay sau đó, Trung tâm YTDP Hà Nội đã tiến hành điều tra dịch tễ và xử lý ổ dịch tại Trường mầm non số 5 Ngọc Hà, nơi cháu bé được gửi trông trẻ. Mặc dù chưa xác định được nguồn lây bệnh TCM ở trường hợp trên và cũng chưa phát hiện thêm trường hợp nào nghi mắc bệnh nhưng nhiều bậc phụ huynh vì lo sợ con em mình có thể bị lây nhiễm nên đã cho các cháu nghỉ học ở nhà.

Theo các chuyên gia dịch tễ, sự lo lắng này của các bậc phụ huynh là dễ hiểu nhưng cũng không thể kéo dài vì sẽ gây xáo trộn sinh hoạt của gia đình, hơn nữa nguy cơ trẻ mắc bệnh tại gia đình cũng không phải là không có. Điều quan trọng nhất là phải giữ vệ sinh cho trẻ, thường xuyên lau rửa sàn nhà, dụng cụ học tập và đồ chơi của trẻ bằng dung dịch chloramin B 2%, hướng dẫn trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không cho tay vào miệng… để phòng chống bệnh TCM và các bệnh khác lây theo đường tiêu hóa. Chúng ta không được chủ quan với bệnh này nhưng cũng không nên quá hoang mang, để ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của trẻ và gia đình.