Theo dự báo của ngành Y tế, thời điểm bắt đầu năm học mới, bệnh tay - chân - miệng có nguy cơ lây lan rộng ở nhiều địa phương. Để phòng ngừa bệnh trong mùa tựu trường, hiện nay chính quyền địa phương và các ngành chức năng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, khống chế dịch, tránh gây hoang mang cho phụ huynh học sinh.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Nam, bệnh tay - chân - miệng đang diễn biến phức tạp và lây lan tới cả 6 huyện, thành phố trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 106 ca mắc và hầu hết là trẻ em dưới 3 tuổi. Để phòng bệnh tay - chân - miệng lây lan trong các trường học, trước khi bước vào năm học mới, ngành Y tế Hà Nam đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn ở các trường học tiểu học và trường mầm non, cấp phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống bệnh tay - chân - miệng đến tận tay người dân. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cũng chủ động chỉ đạo hệ thống các trường mầm non, trường tiểu học có tổ chức bán trú tiến hành vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ dùng đồ chơi…, bảo đảm môi trường học đường an toàn, thân thiện.

Tại tỉnh Hoà Bình, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 233 ca nghi mắc bệnh tay - chân - miệng. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tử vong. Qua lấy mẫu xét nghiệm đã có 17 trường hợp dương tính với vi rút gây bệnh tay - chân - miệng. Để phòng ngừa bệnh lây lan khi bắt đầu năm học,  Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường giám sát dịch tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo; tuyên truyền cho các phụ huynh về biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ, các triệu chứng sớm của bệnh, cách chăm sóc và cách ly trẻ bị bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng tổ chức tẩy uế bằng chloramin B 2% tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo...

Mặc dù số ca mắc bệnh tay - chân - miệng tại tỉnh Tuyên Quang từ đầu năm đến nay không nhiều, nhưng trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành Y tế tỉnh cũng chủ động triển khai các giải pháp cần thiết để phòng ngừa và hạn chế bệnh lây lan. Bác sỹ Nguyễn Văn Ngọ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay ở Tuyên Quang tỷ lệ mắc còn thấp, chưa thành dịch mà là các ca bệnh tản mát. Nhằm ngăn chặn bệnh này lây lan ra diện rộng, Trung tâm đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị tuyên truyền và cung cấp các hoá chất khử trùng, tẩy uế khu vực nhà trẻ mầm non, mẫu giáo, tăng cường công tác giám sát các ca bệnh, nếu phát hiện thì xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, trung bình mỗi ngày tại tỉnh Bình Phước có từ 1 đến 2 trẻ bị bệnh tay - chân - miệng nhập viện, nâng tổng số ca mắc bệnh tay - chân - miệng từ đầu năm đến nay lên trên 200 bệnh nhân, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đã có 1 ca tử vong. Để hạn chế bệnh tay – chân - miệng không trở thành dịch, ngoài công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với các địa phương và ngành Giáo dục tập trung vệ sinh môi trường, nhất là các trường học, đặc biệt là bậc mầm non phải tiến hành vệ sinh môi trường, khử trùng kỹ trước khi khai giảng năm học mới. Trung tâm cũng cấp phát đủ cơ số thuốc chloramin B về các cơ sở y tế và các điểm trường.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK