Theo các chuyên gia y tế, sản phụ cần phải cho con bú ít nhất trong vòng 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, Luật Lao động hiện hành chỉ cho phép các bà mẹ nghỉ thai sản trong vòng 4 tháng. Trước thực trạng đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về chính sách thai sản trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi”). Tại Hội thảo, đại diện các ban, ngành và các cơ quan doanh nghiệp ủng hộ nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng và coi đó là quyền lợi chính đáng của phụ nữ.

 Có một thực tế thấy rõ là theo khoa học thì trẻ cần được bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, trong khi đó, Luật Lao động đang hiện hành quy định thời gian phụ nữ được nghỉ khi sinh con chỉ là 4 tháng. Đó là chưa kể tới việc nhiều người vì muốn đảm bảo sức khỏe cho ngày “vượt cạn” nên đã xin nghỉ từ trước khi sinh khoảng 15 ngày đến 1 tháng. Do đó, thời gian nghỉ sau sinh bị rút ngắn lại, khiến nhiều trẻ nhỏ tại các đô thị rơi vào tình trạng “đói sữa mẹ” khi mẹ phải đi làm trở lại. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay đang tạo áp lực đối với lao động nữ, do không có chỗ gửi con để đi làm. Quan điểm tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng đã nhận được sự đồng tình của nhiều lãnh đạo công ty, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động nữ, ngay cả công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng rất ủng hộ. Bà Phan Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Pacific, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Thực tế có đến trên 50% chị em xin nghỉ thêm 1-2 tháng nữa. Khi người lao động nghỉ, doanh nghiệp cũng rất khó khăn nhưng không phải vì thế mà từ chối được vì đó là nhu cầu chính đáng. Vì thế, có thể nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng để chị em được hưởng bảo hiểm xã hội chứ không chỉ được nghỉ tự do như hiện nay”.

Theo bà Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thời gian nghỉ ngơi trước sinh rất quan trọng, giúp thai phụ có đủ sức để sinh con an toàn. Vì thế, khi tăng thời gian nghỉ thai sản lên thì cũng nên chú ý đến thời gian trước sinh. Bên cạnh đó, nhiều lao động nữ làm nghề nông ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vì vậy, nếu chỉ sửa đổi quy định chế độ nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng thì chưa đủ, chưa đảm bảo bình đẳng quyền lợi giữa phụ nữ sinh con ở khu vực nông thôn với chị em làm trong công ty hoặc cán bộ viên chức nhà nước.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là khi tăng thời gian thai sản lên 6 tháng thì liệu người lao động có phải đóng thêm phí bảo hiểm hay không? Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện nay có đủ cân đối chi trả cho người lao động khi thời gian nghỉ tăng lên hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách,  Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010, Quỹ Ốm đau và Thai sản do người sử dụng lao động đóng bằng 3% quỹ lương đã thu được hơn 19,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ này mới chi hết 13 nghìn tỷ, còn dư gần 7 nghìn tỷ. Dự kiến đến năm 2030, số chi bằng 92% số thu và quỹ vẫn còn dự phòng tới 8%. Như vậy, vẫn đảm bảo Quỹ ở mức an toàn. Vì vậy, nếu giữ nguyên mức thu như hiện nay và nâng thời gian thai sản lên 6 tháng thì khoảng 20 năm nữa chúng ta vẫn đảm bảo được cân bằng cho việc chi trả này.

Tại Việt Nam, năm 2010 tỷ lệ bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh chỉ có 19,6%, một con số rất khiêm tốn. Chế độ nghỉ thai sản được xem là chìa khóa để đảm bảo mọi trẻ sơ sinh được bú  sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vì vậy, nâng thời gian nghỉ thai sản là rất cần thiết, bởi nó không chỉ tạo điều kiện các bà mẹ có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, mà còn góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK