Hơn một tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi vào khám, điều trị tại BV Nhi Trung ương cũng như khoa Nhi tại các BV khác trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến. Trong đó, 3 loại bệnh tăng nhiều nhất là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy và phát ban.
Xem hình
Tất cả các khoa, phòng điều trị tại BV Nhi đều chật cứng bệnh nhân

Chỉ tính riêng tại khoa Khám bệnh - BV Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày gần đây đều có khoảng 2.500 bệnh nhân vào khám, thậm chí có những ngày lên đến 2.700 trường hợp. Đây là con số tăng đột biến so với khoảng thời gian trước đó, bởi thông thường BV chỉ tiếp nhận trung bình 1.500-1.800 bệnh nhân vào khám mỗi ngày. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận - Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, do hầu như tất cả các khoa điều trị của BV đều đã quá tải trầm trọng nên có khoảng 7-10% bệnh nhân vào khám mỗi ngày (là những bệnh nhân nặng) được chỉ định nhập viện, còn lại đều được điều trị ngoại trú. Bác sĩ Nhuận cho biết, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như thế này trong những ngày tới thì số bệnh nhân đến khám chắc chắn còn tăng, có thể đạt tới ngưỡng 3.000 bệnh nhi mỗi ngày. Dù vậy cũng phải nói rằng, có khoảng gần 80% lượng bệnh nhi đến khám tại BV Nhi Trung ương hoàn toàn có thể điều trị được tại các BV tuyến dưới.

Các bác sĩ phòng khám tại BV Nhi Trung ương cho biết, 3 loại bệnh biến động tăng mạnh nhất trong thời gian này ở trẻ em là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy và bệnh ngoài da (phát ban), chiếm đến 70-80% tổng số trẻ đến khám. Phần lớn trẻ đến khám có bệnh cảnh không quá nặng, thường xuất hiện triệu chứng sốt cao, kém ăn, khó thở, nôn nhiều… và hầu hết đã uống thuốc, sử dụng kháng sinh điều trị tại nhà trước đó.

4 biện pháp phòng bệnh

Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính khiến trẻ nhập viện tăng đột biến trong những ngày qua là do thời tiết chuyển mùa từ xuân sang hè, nắng nóng kèm độ ẩm cao khiến các tác nhân gây bệnh đều phát triển mạnh. Trong khi bệnh tiêu chảy gia tăng chủ yếu do các loại thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn trong điều kiện thời tiết nóng ẩm thì bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gia tăng do điều kiện môi trường ngột ngạt, đầy bụi bặm. Còn bệnh phát ban tăng mạnh không phải do gia tăng bệnh thủy đậu, sởi hay rubella mà chủ yếu là gia tăng các bệnh dị ứng ngoài da. Nguyên nhân là do thời điểm này các loại bụi, phấn hoa trong không khí nhiều, các loại vật nuôi như chó, mèo thay lông khiến lông của chúng bay lơ lửng trong môi trường sống của các hộ dân, cùng với đó là sự phát triển mạnh của các loại côn trùng khác. Trẻ em với làn da rất mẫn cảm nên khi hít phải không khí đầy tác nhân gây bệnh này, hoặc bị côn trùng đốt… sẽ mắc bệnh.

Bác sĩ Cấn Phú Nhuận cho biết, thời điểm này nếu thấy trẻ bị phát ban, bệnh ngoài da thì không cần quá lo lắng, bởi với bệnh này không cần bắt trẻ kiêng cữ nhiều hay phải đến BV khám mà chỉ cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, bệnh có thể tự khỏi sau 3-4 ngày. Tương tự, nếu trẻ có biểu hiện sốt nhưng không kèm các triệu chứng nặng khác thì cũng không nhất thiết phải đưa trẻ đến BV, trừ khi trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên, kèm theo các triệu chứng khó thở, thở khò khè, kém ăn, nôn nhiều, bỏ bú… Với trẻ bị tiêu chảy thì cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, vệ sinh ăn uống, đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cũng theo bác sĩ Nhuận, để chủ động phòng bệnh cho trẻ trong những ngày đầu hè và thời tiết nóng nực sắp tới, các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện tốt 4 biện pháp sau: cho trẻ ở trong môi trường sạch, đủ không khí, ánh sáng, xa chuồng trại; đảm bảo dinh dưỡng sạch, không bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, không chứa các hóa chất độc hại, uống nước sạch; chơi hợp lý, văn minh, tránh chơi các vật dụng bẩn thỉu, sắc nhọn, tròn nhỏ (vì trẻ dễ nuốt vào bụng), tốt nhất có sự giám sát của người lớn; cuối cùng là cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ.