Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, mô hình bệnh tật ở trẻ em Việt Nam hiện nay thay đổi rất nhiều so với thời kỳ trước chiến tranh, chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm.

Đánh giá thực trạng về sức khoẻ trẻ em Việt Nam và mô hình bệnh tật trong thập niên 70 của thế kỷ trước, Hội Nhi khoa Việt Nam thấy rằng, sức khoẻ trẻ em hiện nay tốt hơn rất nhiều, kể cả về chiều cao và thể lực. Có được điều này là nhờ nỗ lực thực hiện những chương trình tiêm chủng. 25 năm trước, có khoảng 30% trẻ em tử vong do các bệnh truyền nhiễm như lao, sởi, bạch hầu, uốn ván, ho gà. Nhưng hiện nay, hầu như một số trong các  bệnh này đã được thanh toán. Tuy nhiên, mô hình bệnh tật thay đổi sang các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ trẻ bị bệnh tim bẩm sinh gia tăng. Đặc biệt là số tử vong ở trẻ sinh non, bị bệnh di truyền hoặc bẩm sinh tử vong trong 24 giờ đầu vẫn còn cao.

 Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn nhấn mạnh: “Hiện nay, các bệnh nhiễm khuẩn giảm đi rất nhiều mà thay vào đó bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh tăng lên. Ví dụ bệnh thiểu năng giáp, có nguyên nhân do chất độc hoá học, di truyền hay môi trường. Đây là mô hình bệnh tật của các nước phát triển. Hiện nay Việt Nam đang triển khai việc chẩn đoán truớc sinh, phát hiện dị tật ngay trong bào thai; khám sàng lọc sơ sinh để phát hiện bệnh ở trẻ ngay từ khi khi mới ra đời để điều trị kịp thời, giúp trẻ có cuộc sống bình thường”.

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK