Trong thời gian qua, ngành Y tế tích cực thực hiện và triển khai tốt công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế.
Xem hình
Ảnh minh hoạ

 Sau  khi Luật có hiệu lực, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế tại các địa phương đã được các cấp ủy, Hội đồng nhân dân, UBND quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc ban hành Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề nhằm thúc đẩy thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Các tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện Luật, thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, ban hành văn bản chỉ đạo việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của Luật. Một số địa phương đã chủ động dùng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên cao hơn mức quy định của Luật. Việc hỗ trợ một số nhóm đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện cùng quy định chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh.

Nhiều địa phương đã tổ chức các chuyên mục trên báo địa phương và đối thoại trực tiếp với nhân dân về chủ trương chính sách bảo hiểm y tế trên phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động tuyên truyền đa dạng đã đem lại hiệu quả, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm y tế.

Việc từng bước mở rộng phạm vi bao phủ để tăng số người tham gia bảo hiểm y tế đã được thực hiện trên phạm vi cả nước. Theo lộ trình tham gia bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng được luật quy định, nhóm trẻ em dưới 6 tuổi tham gia ngay khi luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009; nhóm học sinh, sinh viên tham gia bắt buộc từ ngày 1/1/2010 và đến năm 2012 nhóm nông dân tham gia và đến 2014 nhóm dân số còn lại cũng sẽ tham gia bảo hiểm y tế. Tính đến ngày 31/12/2010, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 50 triệu, chiếm khoảng 60% dân số, trong đó số người nghèo là hơn 13 triệu người, trẻ em dưới 6 tuổi là 8,183 triệu, số học sinh, sinh viên khoảng 9,8 triệu người.

Mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh, góp phần ổn định thu- chi quỹ bảo hiểm y tế. Từ ngày 1/1/2010, mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc mức tiền lương tối thiểu, tăng 1,5% lần so với 2009, thay thế mức đóng cố định của một số nhóm đối tượng được ngân sách bao cấp như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bằng mức đóng dựa trên mức tiền lương tối thiểu. Với mức thay đổi này, mức đóng sẽ được điều chỉnh kịp thời theo sự điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu khi có trượt giá, bảo đảm sự ổn định của quỹ bảo hiểm y tế. Năm 2010, cùng với sự gia tăng số người tham gia, số thu đạt hơn 25 ngàn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2009, đảm bảo cân đối thu, chi của quỹ bảo hiểm y tế và bù đắp phần bội chi của những năm trước.

Việc mở rộng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và tuyến xã đã góp phần giảm quá tải ở các cơ sở tuyến trên. Đến nay, đã có 8.204 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bao gồm: 50 cơ sở tuyến trung ương, 510 cơ sở tuyến tỉnh, 1.190 cơ sở tuyến huyện, 276 cơ sở tư nhân và 6.178 trạm y tế xã và y tế cơ quan. Số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 60% tổng số trạm y tế xã của toàn quốc, tăng 10% so với năm 2009. Có hơn 9 triệu thẻ bảo hiểm y tế (gần 20% tổng số thẻ) đăng ký ban đầu tại tuyến xã; số thẻ đăng ký tại bệnh viện huyện và tương đương là 61%; còn lại gần 19% đăng ký tại các cơ sở tuyến tỉnh và trung ương. Thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã đã góp phần củng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh thông thường tại tuyến y tế cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ bảo hiểm y tế, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo.

Việc mở rộng đăng ký ban đầu tại tuyến huyện, duy trì quy định về chuyển tuyến đã góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tổng số khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2010 tại tuyến huyện ước khoảng 106 triệu lượt người với tổng chi phí là hơn 19 ngàn tỷ đồng. Với quy định cho phép các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật được ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đã tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm y tế có thể lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu phù hợp, thuận lợi với mỗi người, phù hợp với chủ trương xã hội hóa y tế, giải quyết một phần tình hình quá tải hiện nay tại các cơ sở y tế công.  

Việc quản lý chất lượng tiếp tục được quan tâm với việc ban hành chương trình nang cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã đổii mới thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Từng bước điều chỉnh áp dụng cơ chế thanh toán, đảm bảo chi phí, hiệu quả và giảm chi phí hành chính. Đến nay đã có 359 bệnh viện, chủ yếu tuyến huyện (chiếm 16,6% cơ sở khám chữa bệnh), áp dụng cơ chế thanh toán theo định suất. Mặc dù còn một số vướng mắc nhưng nhìn chung, cơ chế thanh toán theo định suất đã tạo sự chủ động cho các bệnh viện trong điều hành ngân sách, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo hiểm y tế. Một số tỉnh đã áp dụng phương thức này cho tất cả các bệnh viện huyện trong tỉnh, có sự chỉ đạo thống nhất của Sở Y tế và phối hợp của bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố. Hình thức thanh toán kết hợp giữa định suất và phí dịch vụ và thanh toán trọn gói theo ca bệnh đang được áp dụng thí điểm tại một số bệnh viện, bước đầu đã cho kết quả tốt, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh.  

Tác giả: Quang Nguyễn