Từ đầu năm đến nay, dịch sốt phát ban lan rộng ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Ninh Bình. Đây là một trong những bệnh dễ lây nhiễm, một trong những nguyên nhân là do ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhiều người dân chưa cao cộng với điều kiện môi trường chưa tốt đã khiến dịch sốt phát ban đến nay vẫn tiếp diễn với số lượng bệnh nhân đông, trong đó tập trung nhiều ở trẻ em.

Theo báo cáo nhanh từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến hết quý I/2011, ở 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã có 339 người bị sốt phát ban, trong đó có 12 trường hợp qua xét nghiệm dương tính với Rubella. Tuy nhiên, đây là con số thống kê đối với những trường hợp đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Trên thực tế, số lượng người mắc sốt phát ban lớn hơn nhiều vì nhiều gia đình có người mắc bệnh nhưng tự chạy chữa tại nhà. 

Như gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) có con trai lên 4 tuổi bị sốt phát ban, sau đó là cô con gái đang học lớp 1 cũng có những biểu hiện sốt, phát ban toàn thân. Do nắm được kiến thức của dịch bệnh này nên vợ chồng anh cho 2 con nghỉ học, ở nhà chăm sóc nên sau 3-4 ngày, 2 cháu đã khỏi và quay trở lại lớp học. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng hiểu biết về cách thức phòng, chống dịch sốt phát ban như gia đình anh Thắng. Gia đình chị Lê Thị Nghĩ (Yên Từ, Yên Mô) có con gái đang học THCS. Khi thấy cháu bị sốt nhẹ, chị cho con uống thuốc rồi tiếp tục đi học vì sợ bài vở nhiều, lại sắp đến kỳ thi cuối năm. Sau vài ngày hết sốt, toàn thân cháu mọc đầy nốt đỏ thì chị Nghĩ mới tá hỏa, cho con nghỉ ở nhà vì sợ không kiêng cho con sẽ bị biến chứng...

Qua trao đổi với nhiều phụ huynh có con bị sốt phát ban, được biết khi con cái mắc, dấu hiệu đầu tiên là bị sốt, ai cũng nghĩ là trẻ con chẳng may nắng, gió bất thường bị cảm cúm. Chỉ khi trên người con mọc những nốt ban đỏ thì bố mẹ mới biết con bị sốt phát ban và cho nghỉ học ở nhà. Chính vì sự hiểu biết chưa đầy đủ của nhiều người nên ở các trường học, có nhiều em đến lớp khi vẫn đang bị sốt và trở thành nguồn lây bệnh cho những em khác trong lớp.Trao đổi với bác sỹ Trần Thị Lưu, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vacxin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) được biết: Sốt phát ban là bệnh lây qua đường hô hấp nên có những gia đình, có từ 2-3 người cùng mắc bệnh, hoặc ở một đơn vị có đông người cùng có biểu hiện của sốt phát ban nghi sởi, như ở Công ty may KG.Vina (thành phố Ninh Bình)...

Để phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt phát ban, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp cùng Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được những thông tin cần thiết về tình hình dịch bệnh cũng như cách thức phòng, chống dịch bệnh, giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh... Vì là bệnh lây qua đường hô hấp nên người mắc các triệu chứng như: sốt, ho, ban mọc toàn thân... cần phải được cách ly tại nhà, không nên đến những nơi đông người như cơ quan, trường học. Đồng thời cần quan tâm, chăm sóc người bệnh chu đáo, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện vệ sinh thân thể hàng ngày sạch sẽ, không nên ra gió, không nên tắm lâu... Tuy nhiên, cũng không nên tự điều trị người bệnh tại nhà như: truyền dịch hay cho uống thuốc... Khi người bệnh sốt cao 390 phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế, vì khi được điều trị không đúng cách, bệnh dễ gây ra những biến chứng như: viêm đường hô hấp, viêm màng não, viêm não...

Theo khuyến cáo của ngành y tế, mùa hè sắp đến cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh như: sốt xuất huyết, Rubella, cúm A (H1N1), cúm A(H5N1)... xuất hiện, trong đó có một số dịch bệnh ban đầu có những biểu hiện gần giống nhau. Khi gia đình có người bị bệnh, nên đưa đến cơ sở y tế để được khám lâm sàng và xét nghiệm để tìm nguyên nhân sốt như: sốt phát ban, sởi, rubella, sốt xuất huyết, dị ứng...