Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu giám sát cúm trọng điểm quốc gia, số ca mắc cúm có xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1) đang có dấu hiệu giảm dần về số lượng và không ghi nhận thêm chùm ca bệnh nào.

Thống kê tại các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 425 trường hợp có xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1), trong đó 11 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trước đó, đã xuất hiện những chùm ca bệnh tại cộng đồng.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, từ đầu năm đến nay, tiếp nhận 235 ca mắc cúm A(H1N1) đến khám, trong đó có 176 người bệnh dương tính với cúm A(H1N1) nằm điều trị nội trú. Những người nhiễm cúm A(H1N1) thường là người khỏe mạnh trong độ tuổi lao động.

Có gia đình có hai, ba người cùng đến viện khám do bị lây nhiễm. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị đều có biểu hiện sốt, mệt mỏi, kém ăn, đau mỏi toàn thân, đau cơ khớp, tức ngực, ho khan, đau rát họng, đau đầu, viêm đường hô hấp trên... Đáng chú ý, phần lớn mọi người đều dễ dàng mắc cúm A(H1N1) nếu tiếp xúc với mầm bệnh. Trong khi đó, biểu hiện lâm sàng của bệnh tương đối nhẹ cho nên người dân dễ chủ quan vẫn đi làm bình thường, trong quá trình giao tiếp lại không mang khẩu trang, dễ lây cho người khác.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với bệnh cúm A(H1N1) và không được tự ý sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng vi-rút như Tamiflu để điều trị cúm. Khi xuất hiện một trong các biểu hiện như: mệt mỏi, khó thở, đau ngực, co giật, nôn ói nhiều, sốt kéo dài hơn ba ngày không thuyên giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt, bệnh giảm bớt nhưng sau đó trở nặng, cần đến ngay các trung tâm y tế, bệnh viện tại địa phương khám bệnh. Bên cạnh đó, ngoài cúm A(H1N1) và các loại cúm mùa khác, người dân cần hết sức cảnh giác với dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Hiện dịch bệnh này đã xuất hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm ở một số tỉnh, thành phố. Do đó, người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và báo cáo khi phát hiện gia cầm, thủy cầm có biểu hiện bệnh để tránh lây lan sang người